Điều gì thúc đẩy Ai Cập tập trận liên tiếp trong thời gian gần đây?

The Arab Weekly nhận định Ai Cập dường như không còn coi những mối đe dọa an ninh quốc gia chỉ giới hạn trong biên giới lãnh thổ của đất nước Bắc Phi này.
Điều gì thúc đẩy Ai Cập tập trận liên tiếp trong thời gian gần đây? ảnh 1Cảnh sát Ai Cập gác tại El-Arish, Bắc Sinai.(Ảnh: AFP/TTXVN)

Quân đội Ai Cập đang tham gia đồng thời 4 cuộc tập trận quân sự rất đa dạng với các cường quốc khu vực và quốc tế.

Liên quan tới những động thái này, bài phân tích mới đây trên tuần báo The Arab Weekly nhận định Ai Cập dường như không còn coi những mối đe dọa an ninh quốc gia chỉ giới hạn trong biên giới lãnh thổ của đất nước Bắc Phi này.

Nội dung bài phân tích như sau:

Cuộc tập trận quân sự chung mang tên “Thanh kiếm của Arập” giữa các lực lượng vũ trang Ai Cập và quân đội Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Jordan, Bahrain và Sudan, đã bắt đầu vào ngày 10/11 tại căn cứ quân sự Mohamed Naguib thuộc tỉnh Marsa Matrouh, phía Tây Bắc Ai Cập.

Trong khi đó, hải quân Ai Cập triển khai cuộc diễn tập chung ở Địa Trung Hải với hải quân Pháp, đánh dấu đợt diễn tập lần thứ hai giữa hải quân hai nước ngay trong tháng 11 này.

Một nhóm tàu chiến và tàu khu trục nhỏ của Ai Cập đã khởi hành về phía Bắc, băng qua các eo biển quốc tế Dardanelles và Bosporus, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ, tới Biển Đen để tham gia cuộc tập trận “Cầu Hữu nghị 2020” với hải quân Nga.

Chưa hết, các đơn vị Không quân Ai Cập và các thành phần thuộc Lực lượng "Sấm sét" Ai Cập đã tham gia cuộc diễn tập chung mang tên “Đại bàng sông Nile 1” với quân đội Sudan tại căn cứ không quân Meroe của Sudan.

Việc quân đội Ai Cập huy động nhiều loại vũ khí tham gia các cuộc tập trận ở những khu vực xa xôi cùng các đối tác quốc tế khác nhau cho thấy quốc gia này nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa mà Ai Cập phải đối mặt.

Cairo coi những mối đe dọa an ninh xuất phát từ nhiều nguồn cơn tiềm tàng và không chỉ giới hạn trong biên giới lãnh thổ Ai Cập. Đặc biệt, Ai Cập nhận thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa lợi ích của họ ở Libya và khu vực Đông Địa Trung Hải, cùng với các động thái rất đáng ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ở khu vực Sừng châu Phi và những diễn biến ở Ethiopia ảnh hưởng đến viễn cảnh cuộc xung đột nguồn nước giữa các nước lưu vực sông Nile.

Thăm dò chiến lược

Chuyên gia quân sự, Thiếu tướng Talaat Muslim tin rằng Ai Cập đang đánh giá các khu vực địa-chính trị mà từ đó những mối đe dọa trực tiếp có thể ập đến.

Đây là điều mà Cairo đã phớt lờ trong nhiều năm qua vì còn phải tập trung vào mặt trận phía Đông với Israel và Dải Gaza. Các lực lượng vũ trang Ai Cập dường như đang nghiên cứu nhiều phương sách đối phó với bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai, trong bối cảnh tình hình bất ổn xảy ra ở nhiều địa điểm khác nhau trong khu vực và việc thiếu một tầm nhìn rõ ràng về cách tiếp cận quốc tế trong tương lai đối với các vấn đề quan trọng.

Chuyên gia này nói với The Arab Weekly rằng “việc cọ xát với nhiều lực lượng đa dạng ở các hướng có khả năng chứng kiến xung đột leo thang là nhằm nâng cao chuyên môn của quân đội Ai Cập, huấn luyện binh sỹ trong sử dụng vũ khí hiện đại và phối hợp hành động quân sự với những đồng minh ở các khu vực khác nhau, và trong trường hợp xảy ra xung đột có thể lôi kéo các liên minh chính trị và quân sự chứ không phải là hai cường quốc đơn lẻ đối đầu nhau trên chiến trường.”

Kịch bản như vậy có thể quan sát được trong nhiều cuộc tập trận của Ai Cập với Cộng hòa Cyprus, Hy Lạp và Pháp, những quốc gia có chung các khía cạnh hội tụ chính trị khi cùng đối mặt với sự bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải.

Tương tự, cũng có thể nhìn thấy những điểm chung trong các cuộc tập trận chung của Ai Cập với các quốc gia nằm trong trục Arập khác như Saudi Arabia, UAE, Jordan và Bahrain, nhằm đối phó với mối đe dọa của Iran ở Biển Đỏ, bảo vệ Eo biển Bab al-Mandab và đảm bảo an toàn cho hoạt động của Kênh đào Suez.

Trong khi đó, việc quân đội Ai Cập tiến về phía Nam hướng tới Sudan nhằm hỗ trợ khả năng thành lập liên minh song phương trong bối cảnh xung đột tiềm tàng về nguồn nước sông Nile có nguy cơ trở thành hiện thực.

Liên minh này có thể được mở rộng để tạo thành vùng đệm an ninh chống lại các nhóm khủng bố từ khu vực Sừng châu Phi, vốn là mối đe dọa chung của cả hai nước.

Chuyên gia chiến lược, Thiếu tướng Abdel Rafaa Darwish nhận định Ai Cập đang tìm cách vẽ lại các giới hạn không gian quan trọng ở phía Nam và tăng cường hợp tác với những quốc gia như Uganda, Nam Sudan, Tanzania và Eritrea.

Không gian này có thể được mở rộng để trở thành không gian quân sự chung khi đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào xuất phát từ khu vực phía Nam - nơi có mật độ dày đặc các căn cứ quân sự thuộc về các quốc gia thù địch với Ai Cập, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều gì thúc đẩy Ai Cập tập trận liên tiếp trong thời gian gần đây? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Cairo đang cố gắng tránh những sai lầm từng khiến Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập vào khu vực và bắt đầu đe dọa trực tiếp an ninh Ai Cập thông qua biên giới phía Tây với Libya.

Thông điệp của Ai Cập là họ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để đối phó với các mối đe dọa ở phía Nam mà không thay đổi chiến lược của mình. Điều này có nghĩa là Cairo sẽ dựa vào các cuộc diễn tập và tăng cường năng lực phối hợp, hợp tác quân sự và tình báo với những quốc gia phía Nam mà không tìm cách xây dựng căn cứ quân sự ở đó.

Để chống lại tình hình an ninh đang xấu đi ở Yemen cùng những mối đe dọa liên tiếp của lực lượng Houthi dọc theo bờ biển phía Tây của Yemen, Cairo đang theo đuổi quá trình đảm bảo vị thế quan trọng ở phía Biển Đỏ với các nước vùng Vịnh.

Trong bối cảnh đó, có khả năng mức độ hội nhập quân sự giữa Ai Cập và các nước vùng Vịnh sẽ cải thiện đáng kể nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của nhóm các đồng minh Arập.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của Ai Cập trong việc đảm bảo an ninh tại Biển Đỏ và sáng kiến phân định biên giới hàng hải với Saudi Arabia có nhiều khía cạnh kinh tế quan trọng, trong bối cảnh Ai Cập muốn khai thác nhiều hơn nguồn khí đốt và dầu mỏ trong biên giới lãnh thổ của mình. Những cân nhắc này có thể là động lực cho sự ra đời một căn cứ hải quân giữ vai trò trụ cột của hạm đội hải quân phía Nam dọc theo bờ Biển Đỏ.

Răn đe các mối đe dọa

Hải quân Ai Cập gần đây cũng tiến hành các cuộc diễn tập với Hải quân Anh, bao gồm hoạt động huấn luyện bảo vệ tàu chở hàng quan trọng, các hoạt động đánh chặn trên biển theo điều lệ và luật pháp quốc tế, đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ trên không cho các đơn vị hải quân.

Noha Bakr, thành viên ban cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Ai Cập, cho rằng nhận thức về các nguy cơ an ninh xuyên biên giới không chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia mà nó đã thúc đẩy Cairo chủ động hơn trong việc tạo ra một loại sức mạnh quân sự tổng hợp giữa Ai Cập và những nước đồng minh, bởi lẽ các mối đe dọa hiện diễn ra dưới nhiều hình thức, từ cướp biển, khủng bố, buôn người và tội phạm có tổ chức, bên cạnh những mối đe dọa quân sự truyền thống.

Tương tự, Emad Gad, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al-Ahram, chia sẻ rằng Ai Cập đang nỗ lực mở rộng và củng cố vai trò cường quốc quan trọng trong khu vực.

Bằng cách vươn xa về phía Bắc như Biển Đen và về phía Nam tới vùng Sừng châu Phi, Ai Cập không còn coi an ninh quốc gia chỉ giới hạn trong biên giới của mình.

Hơn nữa, quốc gia này mong muốn chuyển biến những nỗ lực ngoại giao trong nhiều năm qua thành sự hợp tác hiệu quả nhằm kiểm soát các mối đe dọa lợi ích của Cairo và các đồng minh.

Theo chuyên gia Gad, Ai Cập nhận ra sự cần thiết phải vẽ lại bản đồ địa chính trị của khu vực, vốn sẽ đòi hỏi sự hiện diện của lực lượng quân sự Arập để giải quyết hậu quả của các cuộc nội chiến đã tàn phá các quốc gia Arập khác nhau.

Đó là lý do tại sao Cairo buộc phải mở rộng phạm vi hoạt động quân sự ra bên ngoài nhằm duy trì sự ổn định của các điều kiện trong nước.

Tuy nhiên, chuyên gia này không đưa ra dự đoán về tương lai của các động thái quân sự của Ai Cập và cho rằng điều đó có sự liên quan đến mức độ xâm phạm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của Ai Cập.

Những mối đe dọa đó có thể dịch chuyển về phía Tây nếu Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua “ranh giới đỏ” mà Cairo đã vạch ra ở Libya, hoặc trong trường hợp xuất hiện thêm sự hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ở Libya, dẫn đến việc thành lập các căn cứ quân sự thường trực tại đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục