Điều trị kháng sinh dự phòng cho người tiếp xúc với ca bệnh bạch hầu

Theo báo cáo của tỉnh Điện Biên, từ ngày 1/5-10/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 6 trường hợp mắc bạch hầu. Các ổ dịch xảy ra ở những bản, xã vùng sâu, vùng xa.
Điều trị kháng sinh dự phòng cho người tiếp xúc với ca bệnh bạch hầu ảnh 1Cán bộ y tế phát thuốc cho các em học sinh phòng chống bệnh bạch hầu. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Điện Biên cần tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Tiến sỹ Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh đã nhấn mạnh như vậy khi Đoàn công tác số 2 của Bộ Y tế đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu tại tỉnh Điện Biên trong những ngày qua.

[Bộ Y tế lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát phòng chống bệnh bạch hầu]

Đoàn công tác đã đến các điểm trường và các hộ gia đình có người bị bạch hầu tại bản Pa Ít, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà; thăm các ca bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Mường Chà; làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và Ban chỉ đạo Phòng chống dịch của tỉnh.

Theo báo cáo của tỉnh Điện Biên, từ ngày 1/5-10/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 6 trường hợp mắc bạch hầu.

Ổ dịch thứ nhất tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, ca đầu tiên khởi phát ngày 25/4/2023 (đã tử vong), ca thứ hai khởi phát ngày 06/5/2023.

Ổ dịch thứ hai tại xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, 1 ca bệnh được ghi nhận ngày 12/8/2023, hiện đã khỏi và ra viện.

Ổ dịch thứ ba tại xã Huổi Mí, huyện Mường Chà ghi nhận 03 ca bệnh ca thứ nhất khởi phát ngày 23/8/2023 và 2 ca tiếp theo vào ngày 26, 27/8/2023, cả 3 ca hiện sức khỏe ổn định đang tiếp tục theo dõi và điều trị tại TTYT Mường Chà.

Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Điện Biên, đoàn công tác của Bộ Y tế chia sẻ những khó khăn, vất vả của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Điện Biên trong công tác phòng chống dịch nói chung và công tác phòng chống bệnh bạch hầu năm 2023. Các ổ dịch xảy ra ở những bản, xã vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn không có đường bê tông tới bản, không có điện lưới, nhiều chỗ không có sóng điện thoại, nhà ở thấp bé, chật trội; chủ yếu là người dân tộc thiểu số (dân tộc Mông và Khơ Mú).

Ca bệnh đa dạng về độ tuổi 50% số ca trên 15 tuổi, bệnh mắc ở cả những trẻ có theo dõi tiêm chủng đầy đủ, một số ca bệnh triệu chứng không điển hình (2 ca không có giả mạc), nguồn lây không xác định được…; đặc biệt chia sẻ với gia đình 01 người bệnh đã tử vong trong tháng 5/2023 tại ổ dịch thứ nhất.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch bạch hầu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Điện Biên tiếp tục chỉ đạo một số công việc như rà soát và cập nhật kế hoạch phòng, chống dịch bạch hầu của tỉnh; chủ động lên phương án để sẵn sàng huy động nhân lực hỗ trợ các huyện, xã khi có dịch xảy ra; bố trí ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác mua vaccine, thuốc điều trị, hóa chất… triển khai các nhiệm vụ chống dịch.

Bộ Y tế cũng đề nghị tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống đặc biệt phối hợp giữa y tế và giáo dục để tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục