Đồng Tháp: Tái khởi động chương trình xuất khẩu lao động sang Nhật Bản

Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Lao độngThương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp cho biết từ năm 2016-2020, gần 7.000 lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Đồng Tháp: Tái khởi động chương trình xuất khẩu lao động sang Nhật Bản ảnh 1Lao động học tiếng Nhật để sang Nhật Bản làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Lao độngThương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp cho biết với tình hình dịch bệnh được khống chế, Nhật Bản công bố sẽ tiếp nhận lại lao động từ một số nước vào đầu tháng Bảy tới, trong đó có Việt Nam.

Đây là cơ hội để tỉnh Đồng Tháp tái khởi động chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động) sau thời gian tạm đình trệ do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Từ năm 2016-2020, gần 7.000 lao động của tỉnh Đồng Tháp đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Bình quân giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có 1.500 lao động xuất cảnh, riêng năm 2019 có 2.019 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó tập trung chủ yếu thị trường Nhật Bản, chiếm 80,6%.

Trong 5 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ có 724 lao động xuất cảnh, hiện còn 1.427 lao động đang học giáo dục định hướng, 140 lao động đang chờ xuất cảnh.

Theo bà Tuyết, Nhật Bản là thị trường có thu nhập và công việc tốt, phù hợp với người lao động tỉnh Đồng Tháp.

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, các lao động Việt Nam đang ở Nhật Bản vẫn làm việc bình thường và có thu nhập ổn định.

[Dừng đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc cho đến hết tháng 5]

Một số lao động bị ảnh hưởng mất việc do dịch bệnh được Chính phủ nước sở tại trợ cấp mất việc với mức 100.000 yen/người, tương đương khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay, tất cả lao động Việt Nam, trong đó có lao động Đồng Tháp đều đã quay trở lại làm việc.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định nhu cầu lao động của Nhật Bản đang thiếu hụt trầm trọng, cần tuyển nhiều lao động Việt Nam để bù đắp nhu cầu thiếu hụt.

Chỉ riêng 3 công ty chuyên cung ứng lao động như Nhật Huy Khang, Tracodi, Sen Đại Dương đã có nhu cầu tuyển 600 lao động làm việc tại các ngành chế biến và đóng gói thực phẩm, sản xuất vật liệu, cơ khí, lắp ráp điện tử...

Tuy nhiên, hiện tại, mỗi tuần chỉ có khoảng 7-10 lao động đến đăng ký tham gia xuất khẩu lao động, chưa bằng 1/4 so với trước thời điểm dịch bệnh. Thực tế này cho thấy, nếu không chuẩn bị nguồn kịp thời, lao động Đồng Tháp sẽ mất cơ hội sang Nhật làm việc.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết bằng nhiều nỗ lực, tỉnh trở thành địa phương dẫn đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi thực hiện hiệu quả chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; qua đó mang lại hiệu quả tích cực trong giải quyết việc làm, giảm nghèo, tích lũy vốn, kiến thức, kinh nghiệm cho nguồn lao động tại địa phương.

Nhận định đây là thời điểm thích hợp mang đến cơ hội để địa phương khởi động lại chương trình sau khoảng thời gian mọi hoạt động tư vấn, tuyển dụng, đào tạo bị tạm dừng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chia sẻ những khó khăn nhất định trong công tác vận động với quyết tâm càng khó khăncàng phải làm tốt hơn nữa.

Mục tiêu quan trọng là tạo việc làm, nâng cao thu nhập và kiến thức cho người lao động. Đặc biệt  là cần tập trung tuyên truyền, hướng đến các đối tượng mất việc sau dịch bệnh, sinh viên, học sinh, lực lượng vũ trang xuất ngũ,…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp giữ liên lạc thường xuyên với các lao động đang làm việc ở nước ngoài, động viên họ chấp hành pháp luật và các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại; chia sẻ thông tin về gia đình để tránh tâm lý hoang mang, dao động, tạo sự an tâm cho người lao động và gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục