​Dòng tiền lớn hỗ trợ VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử, vượt 1.200 điểm

‘Chứng khoán Việt Nam đạt đỉnh do nhiều yếu tố, trong đó sự ổn định về kinh tế góp phần không nhỏ cho việc thu hút dòng tiền lớn của nhà đầu tư không chỉ trong nước mà còn cả khối ngoại.’
​Dòng tiền lớn hỗ trợ VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử, vượt 1.200 điểm ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Thị trường chứng khoán khép lại phiên giao dịch đầu tiên của tháng Tư trong không khí “náo nhiệt.”  Dòng tiền lớn đổ vào thị trường lên trên 21.449  tỷ đồng tại cả ba sàn. Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điểm tử và nhờ đó VN-Index đóng cửa phiên hôm nay (ngày 1/4) tăng 24,66 điểm, vượt lên mốc của mọi “thời đại” và đạt 1.216,1 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index cộng 5,73 điểm và lên 292,4 điểm, UpCoM-Index nhích 0,3 điểm và lên 81,71 điểm.

Phá vỡ tâm lý “dồn nén”

Trên thị trường, ngoại trừ nhóm cổ phiếu sản xuất hàng gia dụng giảm 0,84%, còn lại các nhóm ngành đồng loạt tăng giá. Trong đó, cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán tăng cao nhất với 6,27%, sau là nhóm vật liệu xây dựng tăng 2,88%, các  nhóm ngân hàng, bất động sản, khai khoáng, bán buôn, bán lẻ, công nghệ thông tin, vận tải-kho bãi… đều tăng trên 2%.

Ông Phạm Tuyến, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, Chi nhánh Bà Triệu (Hà Nội) cho biết tâm lý nhà đầu tư “bị dồn nén” trong nhiều phiên mỗi khi VN-Index chạm mốc 1.200 điểm, thị trường đều bị bán khá mạnh và không giữ vững được mốc này. Nhưng thực tế cho thấy, dòng tiền tiếp tục duy trì chảy vào thị trường trong cả quý. Đáng chú ý ba phiên giao dịch gần đây, dòng tiền từ các nhà đầu tư nội chủ động tham gia và nhập cuộc mua cổ phiếu có tỷ trọng lớn. Điều này chứng tỏ sự kỳ vọng của giới đầu tư và đà tăng trưởng của thị trường tiếp tục được đánh giá cao.

​Dòng tiền lớn hỗ trợ VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử, vượt 1.200 điểm ảnh 2

Diễn biến trong phiên giao dịch, dòng tiền lớn nối tiếp đà của các phiên trước đó và đẩy mạnh mua vào tại các nhóm cổ phiếu trụ cột, trong đó nhóm ngân hàng, chứng khoán và dầu khí hút dòng tiền mạnh. Nhờ đó, VN-Index phá đỉnh lịch sử và đóng cửa phiên giao dịch ở mức cao nhất kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào giao dịch. Trong phiên hôm nay, tâm lý giới đầu tư hưng phấn và khá chủ động trong việc mua vào cổ phiếu.

Khối ngoại quay lại mua ròng

Thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng với con số trên 14.000 tỷ đồng (trong quý 1), bằng xấp xỉ lực bán ròng trong cả năm 2020. Tuy nhiên, khối ngoại bán đã ròng ít hơn trong các phiên gần đây và trong ngày hôm nay, họ đã quay trở lại mua ròng 25 tỷ đồng, tập trung vào các mã trụ cột như  HPG, VIC, MSN…

Theo ông Tuyến, “triển vọng kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực đã tác động đến tâm lý thị trường. Kỳ vọng của giới đầu tư, kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá ngoạn mục sau đại dịch COVID -19 và ngoài ra thông tin tích cực về vaccine, về việc sớm mở đường bay quốc tế… cho thấy việc phòng chống dịch của Việt Nam thực sự hiệu quả và là điểm sáng mà thế giới phải học tập. Vừa qua, nhiều định chế lớn trên thế giới đã đánh giá triển vọng tăng trưởng và khả năng khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam được nhìn nhận là điểm đến đầu tư an toàn và có khả năng sinh lợi bền vững. Ngoài việc điều hành cơ chế tỷ giá linh hoạt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn thực hiện việc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19.”

Đánh giá xu thế dòng tiền trên thị trường, các nhà phân tích cũng chỉ ra mặc dù khối ngoại mặc dù bán ròng lớn, nhưng nhà đầu tư nội vẫn liên tục tham gia khá tích cực và duy trì dòng tiền lớn.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu, do tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế đang dư thừa khá lớn, trong khi lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại xuống thấp, làm thu hẹp các cơ hội đầu tư truyền thống (như gửi tiết kiệm…).  Bên cạnh đó là niềm tin vào các nền tảng vĩ mô và tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục được củng cố, vì vậy một nguồn tiền tiết kiệm lớn đã chuyển sang kênh chứng khoán và tham gia vào quá trình đầu tư khiến cho dòng tiền chảy trên thị trường ngày càng lớn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Tuyến nhấn mạnh: “Chính nguồn tiền nhàn rỗi này là động lực chính giúp thị trường cân bằng thời gian qua khi khối ngoại liên tục bán ròng.”

Nhận định xu hướng thị trường trong thời gian tới, nhìn chung các nhà phân tích cho rằng sau khi VN-Index xác lập đỉnh lịch sử, thị trường chứng khoán sẽ chính thức khởi động cho một chu kỳ tăng trưởng mới với dòng tiền lớn tiếp tục chảy mạnh vào thị trường.

Lý giải về điều này, ông Tuyến chia sẻ, “tâm lý giới đầu tư tài chính như được ‘cởi trói’ và không khí giao dịch trên sàn có thể nói là rất phấn khích khi lần đầu tiên trong lịch sử mốc 1.200 điểm được phá một cách ngoạn mục.”

Vùng kháng cự tại ngưỡng 1.250 điểm

Xét trên khía cạnh phân tích kỹ thuật, Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội cho rằng thị trường chính thức vượt đỉnh mọi thời đại (đỉnh trước đó 1.211 điểm vào tháng 4/2018) và nếu tính từ đầu năm 2021 thì đây là lần thứ 4 chỉ số đại diện cho thị trường này thử thách ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm và kết quả là vượt thành công.

Hiện, VN-Index đang nằm trong sóng tăng 5 với mục tiêu là quanh ngưỡng 1.250 điểm dự kiến đạt được trong nửa đầu tháng Tư. Thị trường vẫn còn dư địa tăng trong khoảng 2 tuần nữa với mức tăng khoảng 35 điểm.

"Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn và ngắn hạn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và có thể canh chốt lời nếu một trong hai điều kiện trên (1.250 điểm hoặc 2 tuần) đạt được trước," ông Thắng nói.

Với thị trường hiện tại, ông Tuyến cho biết giới đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của các nhóm ngành, như chứng khoán, ngân hàng, dầu khí… Tuy nhiên, với cách vận hành, tạo lập như hiện tại cũng rất khó để đánh giá được vùng đỉnh tiếp theo của VN-Index.

Đồng tình với nhận định trên, ông Tuyến cũng cho rằng mốc 1.250-1.270 điểm của VN-Index là vùng kháng cự khá “cứng” và với xu thế dòng tiền lớn và tâm lý của giới đầu duy trì như hiện nay,  khả năng trong trung tuần tháng Tư thị trường sẽ tiệm cận vùng kháng cự trên.

“Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng phải thực sự thận trọng và tránh đua mua những cổ phiếu đã tăng nóng hoặc các cổ phiếu có các đội nhóm “thao túng giá”. Bởi bất kỳ một thông tin không thuận lợi nào về thị trường, cổ phiếu có thể lao dốc như phiên thứ 6 tuần trước (phiên ngày 26/3),” ông Tuyến nói.

Về tầm nhìn dài hạn hơn, ông Tú Anh cũng cảnh báo, trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường như trước, các yếu tố dòng tiền “rẻ” không còn nữa, thị trường chứng khoán có thể sẽ có khoảng chững lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục