Dư âm đẹp từ Lễ hội Lục bát "Ngàn năm hồn Việt"

Lễ hội Lục bát “Ngàn năm hồn Việt” không chỉ có tính thời sự dịp Đại lễ mà còn có vai trò tôn vinh “thương hiệu thơ và văn hóa.” 
Lễ hội “Lục bát Canh Dần 2010” vừa được khai mạc ngày 12/9/2010 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội). Và ngày 6/8 âm lịch (năm nay là ngày 13/9) được chọn là ngày Lễ hội Lục bát hàng năm đang là chủ đề được người yêu thơ, yêu văn hóa Việt rất quan tâm.

Tôn vinh lục bát là “Quốc thơ”

Lễ hội mang tên “Ngàn năm hồn Việt” đã diễn ra với nhiều hoạt động phong phú như biểu diễn thơ lục bát thông qua một số làn điệu dân ca và sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống; “Quán lục bát” trưng bày và giới thiệu những sản vật dân dã, mang đặc trưng văn hóa của các vùng miền, để tôn vinh hồn Việt và di sản văn hóa dân tộc.

Đây là hoạt động do Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, Báo Người cao tuổi, Câu lạc bộThơ Việt Nam, Báo Người Hà Nội, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và website lucbat.com phối hợp tổ chức để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Ban tổ chức Lễ hội còn tổ chức một số chiếu thơ để giao lưu giữa các tác giả, câu lạc bộ yêu thơ lục bát, đồng thời, tổ chức thi sáng tác thơ lục bát tứ tuyệt. Lễ hội còn có một không gian dành cho việc biểu diễn và trưng bày các tác phẩm thư họa thơ lục bát và sách, với sự tham gia của nhiều nhà thư họa đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Khánh Hòa, Hải Dương, Hà Nội… Nhóm thư pháp Khánh Hòa cũng mang đến cho khán giả Thủ đô chiêm ngưỡng cuốn sách độc bản thơ lục bát khổ lớn.

Những người yêu thơ đã cùng nhau ký tên để ủng hộ việc tôn vinh lục bát là Quốc thơ và góp phần vận động để lục bát trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tại lễ hội có một khu vực tiếp nhận sách ủng hộ trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa và trao tặng trực tiếp cho đại diện của địa chỉ được tiếp nhận.

Thơ lục bát sẽ là Di sản văn hóa phi vật thể?

Theo Nhà thơ Đặng Vương Hưng- thành viên Ban tổ chức: “Chúng tôi cũng rất mong nhận được sự ủng hộ giúp đỡ từ phía các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí, của Hội Nhà văn Việt Nam, những trang web văn chương, các tác giả và những người yêu thơ lục bát gần xa. Mong ước của chúng tôi là mỗi người chúng ta hãy làm một việc gì đó, dù nhỏ, tuỳ theo khả năng, để một ngày không xa, thơ lục bát sẽ không chỉ là 'Quốc thơ' mà còn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại!”

Lễ hội Lục bát không chỉ là để tôn vinh thơ mà là tôn vinh Hồn dân tộc! Tâm điểm của Lễ hội Lục bát năm Canh Dần - 2010 là Lễ dâng hương thơ lục bát với sự tham gia của Đội Nữ tế, Nam Tế của Thủ đô, trang trọng thiêng liêng. Chủ lễ dâng hương, Tổng biên tập báo Người cao tuổi, nhà báo Kim Quốc Hoa, đã đọc Văn tế thiên địa và tiên tổ.

Lễ hội lục bát Canh Dần mang tên “Ngàn năm hồn Việt” không chỉ có tính thời sự nhân kỷ niệm Đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội mà còn có ý nghĩa hướng về cội nguồn, về bản sắc và sự kế thừa văn hoá truyền thống cha ông./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục