Dư chấn của xung đột Nga-Ukraine đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Xung đột Nga-Ukraine và phản ứng đáng thất vọng của Ấn Độ đã đặt ra câu hỏi về độ tin cậy tổng thể của Ấn Độ với tư cách là đối tác chiến lược của Mỹ.
Dư chấn của xung đột Nga-Ukraine đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: news.cgtn.com)

Trang mạng orfonline.org, cuộc chiến của Nga ở Ukraine - diễn ra sau khi một hiệp ước lịch sử giữa Moskva và Bắc Kinh được công bố hôm 4/2 - sẽ có ý nghĩa chiến lược sâu rộng trên toàn cầu, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đang làm thay đổi trật tự khu vực.

Chiến sự vẫn đang tiếp diễn với mọi con mắt đổ dồn vào việc liệu Trung Quốc có hỗ trợ quân sự hay cứu trợ nền kinh tế Nga khi nước này ngày càng bị siết chặt bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy một dấu hiệu rõ ràng về giá trị mà Mỹ đặt ra đối với mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ và tầm nhìn của Mỹ trong đó New Delhi sẽ đóng vai trò trung tâm trong khu vực đang ngày càng chịu sự bành trướng và chèn ép của Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc Nga xâm lược Ukraine và phản ứng đáng thất vọng của Ấn Độ đã đặt ra câu hỏi về độ tin cậy tổng thể của Ấn Độ với tư cách là đối tác chiến lược của Mỹ và khả năng thích ứng của nước này trước các sự kiện toàn cầu đòi hỏi sự lãnh đạo và thống nhất giữa các cường quốc dân chủ.

Các ưu tiên của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng - được công bố một tuần sau Tuyên bố chung Moskva-Bắc Kinh và hai tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine - cho thấy rõ ưu tiên an ninh quốc gia lâu dài của Mỹ vẫn là sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Chiến lược đã thẳng thắn về các mối đe dọa và thách thức do một Trung Quốc đang trỗi dậy và ngày càng hung hăng gây ra, đồng thời cũng tập trung vào chương trình nghị sự của Mỹ nhằm duy trì trật tự tự do, cởi mở, minh bạch và bao trùm của khu vực.

Trong lúc sự gây hấn của Nga ở Đông Âu đòi hỏi sự chú ý lập tức của Washington, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ vẫn nhận thức sâu sắc rằng Trung Quốc có thể lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine để làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tự coi mình là bá chủ không thể tranh cãi ở khu vực.

[Ảnh hưởng của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Cũng như Khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump khẳng định Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng, chiến lược của Biden cũng nhấn mạng mối quan hệ song phương Mỹ-Ấn như một thành phần chính trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tổng thể.

Chiến lược của cựu Tổng thống Trump rõ ràng hơn về mục tiêu của Mỹ là đẩy nhanh sự trỗi dậy của Ấn Độ, trong khi chiến lược của Biden công nhận Ấn Độ là “nhà lãnh đạo ở Nam Á và Ấn Độ Dương, tích cực và kết nối với Đông Nam Á, động lực của nhóm Bộ tứ và các diễn đàn khác trong khu vực, và động cơ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển khu vực.”

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Biden cũng nhấn mạnh Đối thoại An ninh Bộ tứ là một “nhóm khu vực hàng đầu” sẽ thực hiện hành động tập thể trong các lĩnh vực như vaccine, công nghệ quan trọng và mới nổi, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, an ninh mạng và không gian. Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ lần ba trong vòng chưa đầy một năm được tổ chức hôm 3/3 vừa qua đã tạo cơ hội cho Ấn Độ giải thích lập trường của họ về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine với các thành viên còn lại (Mỹ, Australia và Nhật Bản), và để các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia thành viên nhóm Bộ tứ chứng minh tầm quan trọng của họ trong nhóm, bất chấp sự khác biệt quan điểm về Nga.

Hàn thử biểu cho mối quan hệ Mỹ-Ấn

Cho đến nay, Mỹ đã thể hiện sự kiên nhẫn vô cùng lớn đối với Ấn Độ liên quan phản ứng thận trọng của quốc gia Nam Á trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và không ủng hộ việc trừng phạt Moskva.

Tuy nhiên cũng có những dấu hiệu cho thấy sự thất vọng của Washington đang ngày càng gia tăng. Trong chuyến thăm tới New Delhi hồi cuối tháng 3 vừa qua, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ về Kinh tế Quốc tế Daleep Singh đã nói rõ rằng Washington mong New Delhi kiềm chế, không lợi dụng việc Nga đề nghị bán dầu cho Ấn Độ với giá chiết khấu cao.

Moskva cũng đã đề xuất New Delhi đồng ý với cơ chế thanh toán bằng đồng Rupee chuyển đổi sang đồng Ruble để tránh các giao dịch bằng đồng USD có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mặc dù Ấn Độ lập luận đúng khi tuyên bố châu Âu cũng tiếp tục mua dầu của Nga và Ấn Độ chỉ mua khoảng 1% tổng nhu cầu năng lượng của họ từ Nga, song mọi nỗ lực của Ấn Độ nhằm giúp Nga thoát khỏi tác động của các lệnh trừng phạt sẽ khiến các quan chức Mỹ khó chịu.

Nó cũng sẽ càng gây khó khăn cho những lập luận ủng hộ miễn áp dụng Đạo luật trừng phạt đối thủ của Mỹ đối với Ấn Độ do nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, mà New Delhi đã bắt đầu nhận hàng vào tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, cuộc Đối thoại 2+2 giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Ấn Độ và Mỹ được tổ chức hôm 11/4 tại Washington đã tái khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, bất chấp những khác biệt về Nga.

Một cuộc gặp trực tuyến bất ngờ giữa Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở đầu cuộc họp 2+2 cũng như tuyên bố chung toàn diện được công bố sau đối thoại đã thể hiện quyết tâm của cả hai nước không để lập trường khác biệt về Nga làm gián đoạn mối quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Vũ điệu Nga-Trung-Ấn

Một sự kiện quan trọng tác động đến việc ra quyết định của Ấn Độ là Tuyên bố chung Moskva-Bắc Kinh được công bố hồi tháng 2 vừa qua sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày khai mạc Thế vận hội mùa Đông 2022 ở Bắc Kinh.

Tuyên bố mạnh mẽ nhất về quan hệ Nga-Trung trong hơn 70 năm qua nêu rõ thế giới đang bước vào “một kỷ nguyên mới của sự phát triển nhanh chóng và chuyển đổi sâu sắc” với xu hướng hướng tới một “sự phân bổ lại quyền lực trên thế giới.”

Tuyên bố chung báo hiệu Putin và Tập Cận Bình tin rằng đã đến lúc hợp lực để chống lại sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, đồng thời truyền đạt mục tiêu chung của họ đến toàn thế giới.

Trong tuyên bố chung dài hơn 5.000 từ, Nga ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Trung Quốc đối với Đài Loan, trong khi cả hai đều phản đối việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bày tỏ quan ngại đối với Hiệp ước liên minh Anh-Mỹ-Australia (AUKUS) và chỉ trích chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. 

Mặc dù tài liệu công khai này phục vụ lợi ích của cả hai quốc gia trong việc tìm cách làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, cũng có những câu hỏi về việc quan hệ đối tác Moskva-Bắc Kinh sẽ hoạt động như thế nào trên thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh sự phản đối mạnh mẽ và thống nhất của phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Trung Quốc thích thú khi thấy Mỹ sa lầy ở châu Âu và dành nguồn lực và mối quan tâm ngoại giao ở đó thay vì ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng ưu tiên sự ổn định trong nước và tăng trưởng kinh tế, do đó muốn tránh các biện pháp trừng phạt thứ cấp mà Trung Quốc có thể hứng chịu nếu nước này cứu trợ Nga về mặt kinh tế.

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng Ukraine càng kéo dài, quan hệ Mỹ-Âu càng trở nên gắn kết hơn và các quốc gia châu Âu sẽ dễ tiếp thu những cảnh báo của Mỹ về các mục tiêu bá quyền của chính Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiệp ước Nga-Trung gần như chắc chắn đã gây lo ngại cho Chính phủ Ấn Độ, vốn cố gắng giữ vai trò “vùng đệm” trong quan hệ giữa hai cường quốc thế giới để đáp ứng các hạn chế chiến lược của riêng New Delhi.

Sau cuộc đụng độ với các lực lượng Trung Quốc dọc biên giới tranh chấp của hai nước hồi tháng 6/2020 và với viễn cảnh căng thẳng biên giới sẽ tiếp tục kéo dài, New Delhi cần có mối quan hệ tốt với Moskva trong trường hợp bùng nổ một cuộc xung đột mới ở biên giới Ấn-Trung.

Giờ đây, khi Nga đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây, Ấn Độ sẽ phải tính đến thực tế là sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc có thể ngày càng lớn, cho phép Bắc Kinh càng có nhiều quyền hành động.

Moskva sẽ giảm khả năng thuyết phục Trung Quốc trong nhiều vấn đề, bao gồm cả căng thẳng biên giới với Ấn Độ. Nếu Ấn Độ không chỉ trích Nga về việc xâm lược Ukraine để “mua” sự ủng hộ của Nga trong các tranh chấp biên giới với Trung Quốc, họ có thể sẽ thất vọng. 

Ấn Độ cũng có thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực trực tiếp đối với ngành công nghiệp quốc phòng khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có hiệu lực, do nước này tiếp tục phụ thuộc vào các thiết bị quân sự của Nga. Theo ước tính, thiết bị của Nga chiếm khoảng 50% lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ giai đoạn 2016-2020.

Trách nhiệm toàn cầu của Mỹ và những lựa chọn khó khăn của Ấn Độ

Để duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, trong đó các quốc gia duy trì chủ quyền và độc lập của mình, Washington không phải  lựa chọn giữa việc tập trung nguồn lực và sự chú ý vào châu Âu hay Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ phải can dự vào cả hai khu vực và ngày càng dựa vào các đối tác và đồng minh để giúp họ đối mặt với sự xâm lược của Nga ở châu Âu và sự hung hăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc Ấn Độ từ chối lên án Nga và sẵn sàng cung cấp cho Nga một huyết mạch kinh tế khiến quan hệ của Washington với New Delhi trở nên căng thẳng và đặt ra câu hỏi về tương lai của Bộ tứ, cũng như về khả năng thực sự cung cấp một đối trọng đáng tin cậy cho bá quyền của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi các thành viên bị chia rẽ vì những diễn biến ở châu Âu.

Mỹ trông đợi Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và giúp cân bằng quyền lực của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, việc Ấn Độ tiếp tục phụ thuộc vào các thiết bị quân sự của Nga có thể làm suy yếu khả năng của Ấn Độ trong việc đóng một vai trò hiệu quả ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chưa kể ảnh hưởng khả năng hợp tác của Bộ tứ trong các vấn đề quan trọng như nhận thức về lĩnh vực hàng hải.

Ấn Độ cần đưa ra những quyết định chiến lược quan trọng trong năm 2022, những quyết định sẽ gây ra những hậu quả không chỉ đối với quan hệ song phương với Mỹ mà còn đối với lợi ích an ninh quốc gia lớn hơn của nước này đối với Trung Quốc và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang ngày càng gây khó khăn cho Ấn Độ trong việc đào sâu sự chia rẽ Mỹ-Nga lâu hơn nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục