Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, các tổ chức chống hạt nhân của Đức mới đây đã bày tỏ những lo ngại về tình trạng của các lò phản ứng hạt nhân của Bỉ, sau những sự cố xảy ra đối với lò phản ứng hạt nhân Tihange 1 và Doel 3.
Chỉ vài ngày sau khi khởi động lại, lò phản ứng Doel 3 lại phải ngừng hoạt động vì lý do kỹ thuật.
Doel 3 không hoạt động trong gần 18 tháng nay do giới chức trách lo ngại các vết nứt nhỏ xuất hiện trong thùng của lò phản ứng.
Ông Walter Schumacher, làm việc tại Liên minh chống hạt nhân ở Aix-la-Chapelle, nghi ngại về việc quản lý các nhà máy hạt nhân ở Bỉ do nhà máy hoạt động gần 40 năm, máy móc đều đã cũ.
Không chỉ các tổ chức chống hạt nhân tại Đức, ngay Bộ Môi trường liên bang nước này cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng an toàn của một số lò phản ứng hạt nhân của Bỉ.
Bộ này cho rằng với một số lượng đáng kể các sự cố xảy ra, bao gồm cả ở phần phi hạt nhân, nên loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân hơn là bỏ bê không tu sửa từ nhiều năm nay.
Đây không phải là lần đầu tiên các quốc gia láng giềng có ý kiến về tình trạng cũ kỹ của các nhà máy điện hạt nhân của Bỉ.
Giới chức Hà Lan và Luxembourg cũng đã từng đưa ra những nhận xét về độ tin cậy của các nhà máy hạt nhân này.
Tihange1 là lò phản ứng hạt nhân cũ nhất trong số 3 lò của nhà máy điện hạt nhân Tihange, được đưa vào sử dụng năm 1975 và đáng lẽ phải ngừng vào năm 2015. Tuy nhiên, Chính phủ Bỉ hồi năm 2012 quyết định sẽ kéo dài hoạt động của lò này tới năm 2025.
Trong thời gian qua, nhiều sự cố kỹ thuật đã liên tiếp xảy ra đối với các nhà máy điện hạt nhân của Bỉ.
Hồi tháng 8/2014, nhà máy Tihange 4 đã phải ngừng hoạt động khiến Bỉ lâm vào tình trạng thiếu điện và phải nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng.
Hồi cuối tháng 10 vừa qua, một vụ nổ và cháy nhỏ cũng đã xảy ra ở lò phản ứng hạt nhân Doel 1./.