Từng tham gia tạo nên những siêu phẩm như máy bay tiêm kích đa năng thế hệ thứ 4 Eurofighter Typhoon, giờ đây Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng châu Âu (EADS) đang lao đao vì chính phủ các nước giảm mạnh chi tiêu quân sự.
Thực tế buộc EADS phải tính đến phương án cắt giảm việc làm và chi phí liên quan đến lĩnh vực quốc phòng nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới. Thay vì chạy theo các hợp đồng sản xuất vũ khí, EADS sẽ điều chỉnh chiến lược kinh doanh tập trung vào mảng hàng không thương mại.
Tiến sỹ Tom Enders - Giám đốc Điều hành EADS, cho rằng tập đoàn này khó tránh khỏi những biện pháp cắt giảm chi phí và nhân sự. Tổng số nhân viên của EADS hiện là 45.000 người.
Đây được coi là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu mà giới lãnh đạo EADS triển khai sau khi thỏa thuận sáp nhập với tập đoàn BAE của Anh đổ vỡ hồi năm ngoái. EADS tìm cách giảm bớt những ảnh hưởng về chính trị, đồng thời tăng lợi nhuận cho các lĩnh vực kinh doanh.
Tuy nhiên, Pháp và Đức lo ngại rằng kế hoạch tái cơ cấu này có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp là gần 11% - mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Theo ông Enders, kế hoạch tái cơ cấu sẽ không tính đến khả năng bán đi mảng quốc phòng mà hiện mang về doanh thu hàng năm khoảng 14 tỷ euro (19,3 tỷ USD) cho EADS. Chi tiết của kế hoạch tái cơ cấu sẽ được EADS công bố vào tháng 12 này.
"Chúng tôi vẫn muốn giữ lại mảng kinh doanh trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng nó cần phải được tăng cường sức cạnh tranh và cải thiện về lợi nhuận" - ông Enders nói.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết chi tiêu quân sự của thế giới năm 2012 chỉ còn 1,75 nghìn tỷ USD - giảm 0,5% so với năm 2011. Đây là lần đầu tiên chi tiêu quân sự của thế giới giảm kể từ 14 năm qua.
Trong khi đó, mảng hàng không dân dụng lại ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Số đơn đặt hàng mà hãng chế tạo máy bay Airbus của EADS nhận được trong nửa đầu năm 2012 là 722, tăng đáng kể so với con số 230 của cùng kỳ năm 2011./.