Ethiopian Airlines là hãng đầu tiên tại châu Phi sở hữu 100 máy bay

Ethiopian Airlines cho biết với kế hoạch nhận bàn giao chiếc máy bay thứ 100 vào tháng 6 tới, hãng sẽ trở thành hãng hàng không châu Phi đầu tiên trong lịch sử sở hữu lượng máy bay 3 con số.
Ethiopian Airlines là hãng đầu tiên tại châu Phi sở hữu 100 máy bay ảnh 1Máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines. (Nguồn: globes.co.il)

Ngày 24/5, Ethiopian Airlines cho biết với kế hoạch nhận bàn giao chiếc máy bay thứ 100 vào tháng 6 tới, hãng sẽ trở thành hãng hàng không châu Phi đầu tiên trong lịch sử sở hữu lượng máy bay 3 con số.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, hãng hàng không lớn nhất châu Phi tính theo lượng hành khách này trong thời gian qua cũng đang tiến hành liên doanh và mua cổ phần của nhiều hãng khác tại châu lục nhằm vực dậy ngành hàng không "lục địa đen" đang gặp nhiều khó khăn.

Tổng Giám đốc Ethiopian Airlines Tewolde Gebremariam cho biết hiện các hãng hàng không châu Phi chỉ chiếm 20% lưu lượng chuyến bay trong châu lục trong khi 80% chuyến bay còn lại rơi vào tay các đối thủ đến từ các châu lục khác.

Để giành lại thị phần đã mất, theo ông Gebremariam, Ethiopian Airlines cùng các hãng hàng không khác của châu Phi cần tăng cường kết nối.

Hiện Ethiopian Airlines đang mở rộng thị trường sang các nước Tây Phi bằng các thỏa thuận liên doanh với các hãng hàng không sở tại như ASKY Airlines của Togo, Congo Airways và Air Cote d'Ivoire.

[Liên minh châu Phi ra mắt Thị trường Hàng không châu Phi hợp nhất]

Ngoài việc đã mua một số lượng cố phần chi phối của Chadian Airlines (CH Chad), Ethiopian Airlines cũng đang đàm phán với Chính phủ Zambia để mua lại 45% cổ phần của hãng hàng không nước này.

Trước đó, ngày 29/1, Liên minh châu Phi (AU) đã ra mắt Thị trường Hàng không châu Phi hợp nhất (SAATM) nhằm tăng cường sự kết nối giữa các thành viên cũng như giảm chi phí vận tải hàng không trong khu vực.

SAATM ra mắt trong bối cảnh Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo các hãng hàng không tại châu Phi sẽ tiếp tục kinh doanh thua lỗ trong năm nay với mức lỗ có thể lên tới 100 triệu USD, bằng mức lỗ của năm ngoái.

Theo IATA, lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do chính phủ các quốc gia châu Phi vẫn chưa mở cửa cho phép cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hàng không, trong khi kinh tế phục hồi còn chậm chạp cũng như chi phí hoạt động của các hãng hàng không tại đây còn khá cao.

Ngoài ra, mặc dù nhu cầu đi lại bằng đường không tại châu Phi đang tăng lên, nhưng đa phần các hãng hàng không tại đây mới chỉ khai thác được khoảng 70% công suất so với mức trung bình 80% của thế giới.

IATA cho rằng dù triển vọng kinh tế năm 2018 có thể sáng sủa hơn, nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ của chính phủ các nước châu Phi trong việc mở cửa thị trường hàng không nhằm thúc đẩy hơn nữa kết nối trong khu vực.

Hiện toàn châu Phi có 20 hãng hàng không, trong đó Ethiopian Airlines của Ethiopia và South African Airways của Nam Phi được coi là 2 hãng lớn nhất với số máy bay sở hữu lần lượt là 99 và 58 chiếc.

Hai hãng sở hữu số máy bay ít nhất là Fastjet của Tanzania và LIAM của Mozambique với 4 chiếc mỗi hãng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục