Liên minh châu Phi ra mắt Thị trường Hàng không châu Phi hợp nhất

Liên minh châu Phi (AU) ra mắt Thị trường Hàng không châu Phi hợp nhất (SAATM) nhằm tăng cường sự kết nối giữa các thành viên cũng như giảm chi phí vận tải hàng không trong khu vực.
Liên minh châu Phi ra mắt Thị trường Hàng không châu Phi hợp nhất ảnh 1(Nguồn: Thewillnigeria)

Ngày 29/1, Liên minh châu Phi (AU) ra mắt Thị trường Hàng không châu Phi hợp nhất (SAATM) nhằm tăng cường sự kết nối giữa các thành viên cũng như giảm chi phí vận tải hàng không trong khu vực.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh AU bế mạc cùng ngày tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, lễ ra mắt SAATM được tổ chức với sự tham dự của tân Chủ tịch AU Paul Kagabe, nguyên thủ các nước thành viên AU và đại diện của các hãng hàng không.

Chủ tịch AU Paul Kagabe cho biết một trong những mục tiêu cơ bản của việc thành lập SAATM là tự do hóa và mở cửa cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không, phù hợp với chương trình nghị sự của AU.

SAATM ra mắt trong bối cảnh Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo các hãng hàng không tại châu Phi sẽ tiếp tục kinh doanh thua lỗ trong năm 2018 với mức lỗ lũy kế có thể lên tới 100 triệu USD, ngang bằng với mức lỗ của năm ngoái.

Theo IATA, lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do chính phủ các quốc gia châu Phi vẫn chưa mở cửa cho phép cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hàng không, trong khi kinh tế phục hồi còn chậm chạp, cũng như chi phí hoạt động của các hãng hàng không tại đây còn khá cao.

[Liên minh châu Phi tìm cách cứu ngành hàng không thoát thua lỗ]

Ngoài ra, mặc dù nhu cầu đi lại bằng đường không tại châu Phi đang tăng nhưng đa phần các hãng hàng không tại đây mới chỉ khai thác được khoảng 70% công suất, so với mức trung bình 80% của thế giới. IATA cho rằng dù triển vọng kinh tế năm 2018 tại "lục địa đen" có thể sáng sủa hơn nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ của chính phủ trong việc mở cửa thị trường hàng không nhằm thúc đẩy hơn nữa sự kết nối trong khu vực.

Hiện toàn châu Phi có 20 hãng hàng không, trong đó Ethiopian Airlines của Ethiopia và South African Airways của Nam Phi được coi là 2 hãng lớn nhất với số máy bay sở hữu lần lượt là 92 và 58 chiếc. Hai hãng sở hữu số máy bay ít nhất là Fastjet của Tanzania và LIAM của Mozambique với 4 chiếc mỗi hãng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục