EU chưa sẵn sàng áp đặt trừng phạt mới đối với Nga

Liên minh châu Âu (EU) chưa sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với cấp độ cao hơn với Nga vì lo ngại rủi ro trong mối quan hệ hợp tác với Moskva.
EU chưa sẵn sàng áp đặt trừng phạt mới đối với Nga ảnh 1Thủ tướng David Cameron tuyên bố các nước thành viên EU cần chuyển sang biện pháp trừng phạt cấp độ ba đối với Moskva. (Nguồn: TTXVN)

Theo hãng tin ITAR-TASS, Liên minh châu Âu (EU) chưa sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với cấp độ cao hơn (nhằm vào kinh tế) đối với Nga vì lo ngại rủi ro trong mối quan hệ hợp tác với Moskva.

Thông tin này được đăng tải trên báo Independent (Độc Lập) của Anh số ra ngày 22/7, trong bối cảnh cùng ngày các ngoại trưởng EU sẽ tiến hành cuộc gặp tại Brussels, Bỉ, nhằm thảo luận tình hình Ukraine, bao gồm việc điều tra vụ tai nạn máy bay thảm khốc của Hãng hàng không Malaysia Airlines, đồng thời bàn thảo các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.

Theo báo Independent, những nỗ lực của Mỹ và Anh thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga dường như đã bị tạm dừng vì Pháp và Đức, hai quốc gia có mối quan hệ trao đổi thương mại phụ thuộc khá lớn vào Moskva, không ủng hộ những đề xuất của London về việc mở rộng hạn chế đối với các công ty trong các lĩnh vực then chốt của Nga như quốc phòng, tài chính và năng lượng.

Berlin cho rằng các biện pháp trừng phạt chỉ là một phương tiện để đạt được mục đích chứ không phải là mục tiêu cần đạt được.

Trước đó, phát biểu tại Quốc hội Anh ngày 21/7, Thủ tướng David Cameron tuyên bố các nước thành viên EU cần chuyển sang biện pháp trừng phạt cấp độ ba đối với Moskva và ngừng cung cấp vũ khí cho Nga. Ông cũng kêu gọi mở rộng danh sách trừng phạt hiện nay.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 21/7 nhấn mạnh quyết định bàn giao tàu chở trực thăng lớp Mistral thứ 2 cho Nga sẽ tùy thuộc vào thái độ của Moskva đối với cuộc khủng hoảng Ukraine vì Paris cho rằng Nga ủng hộ lực lượng đòi liên bang hóa tại miền Đông quốc gia láng giềng.

Theo ông Hollande, chiếc tàu thứ nhất đã gần hoàn thành và sẽ được bàn giao cho Nga theo đúng kế hoạch vào tháng Mười tới, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ các đồng minh của Paris.

Tuy nhiên, ông Hollande lưu ý rằng điều này không có nghĩa là phần còn lại của hợp đồng - chiếc Mistral thứ 2 - sẽ được thực hiện và "việc đó còn phụ thuộc vào thái độ của Nga.”

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cùng ngày đã tỏ ra nghi ngờ về khả năng Pháp sẽ hủy thương vụ trên với Nga, cho dù Paris đang chịu áp lực của giới lãnh đạo phương Tây tìm cách trừng phạt Moskva sau vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 tại khu vực đang xảy ra chiến sự ở Ukraine. Ông cho rằng điều này sẽ gây lo ngại cho Pháp hơn là đối với Nga.

Về phần mình, Nhà Trắng thông báo ngày 21/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Ba Lan Bronislaw Komorowski đã thảo luận về sự cần thiết phải tăng cường chi tiêu quốc phòng ở châu Âu và năng cao tinh thần đoàn kết xuyên Đại Tây Dương sau vụ máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia rơi ở Ukraine.

Trong một thông cáo về cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama và Tổng thống Komorowski đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng chi tiêu quốc phòng giữa các thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như sự cần thiết có sự đóng góp của toàn liên minh đối với các nỗ lực trấn an của NATO ở Trung và Đông Âu...

Hai nhà lãnh đạo cũng nêu bật sự cần thiết của tinh thần đoàn kết xuyên Đại Tây Dương trong việc đối phó với thảm kịch MH17 bị rơi tại khu vực miền Đông Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục