Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại chung của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini khẳng định vì an ninh của châu Âu, liên minh sẽ giữ nguyên lập trường đối với thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức), bất chấp việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận mang tính lịch sử này.
Trong tuyên bố ngày 16/1, bà Mogherini nhấn mạnh EU sẽ tiếp tục hợp tác với Iran trong việc triển khai thỏa thuận "cực kỳ quan trọng" này. Lý do mà bà Mogherini đưa ra là bởi thỏa thuận hạt nhân với Teran tác động đến an ninh của toàn châu Âu.
Dù không đưa ra bình luận nào liên quan đến của Tổng thống đắc cử Mỹ, bà Mogherini cho biết thỏa thuận hạt nhân với Iran đang tiến triển và có nhiều điều khoản được thực thi.
Bà nhấn mạnh kể từ khi có hiệu lực từ đầu năm ngoái, thỏa thuận này đã thu lại một số kết quả tích cực, trong đó phải kể đến sự gia tăng hợp tác trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa Tehran và các nước phương Tây.
Tuyên bố của đại diện EU được đưa ra trong bối cảnh liên minh này không tìm được tiếng nói chung với Tổng thống đắc cử Trump trong nhiều vấn đề, trong đó phải kể đến thỏa thuận hạt nhân với Iran và mối quan hệ giữa Washington và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong suốt thời gian tranh cử, vị doanh nhân 70 tuổi này nhiều lần lên tiếng phản đối văn kiện trên, mô tả "đây là thỏa thuận tồi nhất mà ông từng chứng kiến."
Ông Trump tỏ ý nghi ngờ tính hiệu quả của thỏa thuận này vì cho rằng nó sẽ không ngăn cản Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân. Thậm chí, ông Trump còn tuyên bố sẽ chấm dứt thỏa thuận này.
Thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran, có tên gọi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), được Iran và Nhóm P5+1 ký ngày 14/7/2015, giúp chấm dứt những căng thẳng liên qua chương trình hạt nhân của Tehran.
Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 16/1/2016, theo đó Iran được quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt tài chính, kinh tế và dầu mỏ để đổi lấy việc nước này giới hạn các chương trình hạt nhân./.