Gắn sáng tác với thực tiễn đổi mới sáng tạo của đất nước

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những đổi mới về cách nghĩ, cách sáng tác, chủ thể sáng tác, nội dung và hình thức trong hoạt động văn học, nghệ thuật...
Gắn sáng tác với thực tiễn đổi mới sáng tạo của đất nước ảnh 1Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận hội nghị. (Nguồn: Nhandan.vn)

Ngày 1/7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2021 với Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng chủ trì hội nghị.

Gắn sáng tác với thực tiễn đổi mới sáng tạo của đất nước

Tại hội nghị, các đại biểu nghe Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các nội dung văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cùng với nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật tiếp tục được quán triệt, triển khai, qua đó, tạo điều kiện, định hướng cho hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

Trong các ngày 13-14/1/2021, Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội, đánh dấu việc hoàn thành đại hội nhiệm kỳ theo tinh thần Chỉ thị 31 - CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về Đại hội các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Báo cáo đánh giá sau Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, hoạt động của các hội văn học nghệ thuật dần đi vào nền nếp, thể hiện được sức sống mới. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương, vai trò tập hợp, đoàn kết, động viên, hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tác, quảng bá tác phẩm của các hội được phát huy.

Đại bộ phận văn nghệ sỹ tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới và những quyết sách của Đảng đề ra, kiên trì, tâm huyết với công việc sáng tạo, gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Các cuộc thi sáng tác, các công trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn học nghệ thuật do các hội tổ chức bằng nhiều hình thức sáng tạo vẫn được văn nghệ sỹ tham gia hưởng ứng tích cực với sự say mê, và tâm huyết.

[Bộ Văn hóa đề nghị chấn chỉnh hiện tượng tiêu cực trong giới nghệ sỹ]

Đặc biệt, đời sống văn nghệ trong thời kỳ toàn dân phòng, chống dịch COVID-19 vẫn duy trì được sự phong phú và đa dạng nhất định. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đã cố gắng duy trì các hoạt động thường kỳ, tổ chức nhiều hoạt động, sinh hoạt có ý nghĩa.

Giới văn nghệ sỹ nước nhà đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật truyền tải thông điệp thực hiện “Mục tiêu kép,” vừa nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội, lan tỏa và tạo nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng.

Nhiều văn nghệ sỹ còn thể hiện vai trò trong nhiều hoạt động từ thiện, tổ chức, tham gia trực tiếp vào các hoạt động thiện nguyện, quyên góp thực phẩm, nhu yếu phẩm cung cấp tới các điểm đang chống dịch trên toàn quốc để tiếp sức, giúp đỡ cộng đồng cùng vượt qua khó khăn, phòng, chống dịch bệnh...

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận nêu bật những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác; đề xuất, kiến nghị đối với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành liên quan... nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình trong thời gian tới.

Hội nghị xác định các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, trong đó nhấn mạnh, trên cơ sở quán triệt, thấm nhuần các nội dung trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tập trung triển khai, tổ chức thực hiện chương trình công tác toàn khóa, từng bước đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các hội, khơi dậy mọi tiềm năng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hội theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần vào xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Động viên đội ngũ văn nghệ sỹ cả nước tiếp tục đẩy mạnh sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình, gắn sáng tác với thực tiễn đổi mới sáng tạo của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phấn đấu có nhiều tác phẩm, công trình xuất sắc phản ánh về con người và đất nước Việt Nam hội nhập và phát triển; góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Triển khai sâu rộng, vận động hội viên hưởng ứng, tham gia tích cực cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.”

Khơi dậy ý chí, khát vọng và quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá và biểu dương trong 6 tháng đầu năm 2021, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đã có nhiều nỗ lực, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. 

Kế thừa và phát triển tư duy văn hóa, văn nghệ qua nhiều kỳ đại hội, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định quan điểm chỉ đạo “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên...".

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những đổi mới về cách nghĩ, cách sáng tác, chủ thể sáng tác, nội dung và hình thức trong hoạt động văn học, nghệ thuật; xuất hiện nhiều tác phẩm trong lĩnh vực âm nhạc có giá trị lan tỏa lớn, thể hiện niềm tự hào, khát vọng vươn lên...

Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần vào xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các đơn vị liên quan cần tập trung, bám sát tình hình thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ, tập trung triển khai, tổ chức thực hiện chương trình công tác toàn khóa; từng bước đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các hội, khơi dậy mọi tiềm năng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động theo hướng chuyên nghiệp.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trong bối cảnh xảy ra đại dịch COVID-19, hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật trên nền tảng số càng có ý nghĩa quan trọng, khơi dậy ý chí, khát vọng và quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chuyển tải được quan điểm, đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong các sáng tác nghệ thuật.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, thời gian tới cần có những đổi mới, sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, có sức lan tỏa, tác động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân qua nhiều hình thức, phương thức phù hợp; ưu tiên và hướng các hoạt động về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục