Gia tăng trẻ em mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị

Trong tháng Tư và tháng Năm, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận gần 800 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám, tăng hơn 750 ca so với 2 tháng trước đó.
Gia tăng trẻ em mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị ảnh 1 Nốt hồng ban ở chân của một trẻ mắc bệnh tay chân miệng. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Bắc thời gian gần đây liên tục ghi nhận các trường hợp mắc tay chân miệng đang gia tăng đến mức báo động.

Đáng lưu ý, nhiều trường hợp ở thể nặng, phải nhập viện.

Số ca mắc bệnh liên tục tăng cao

Theo thống kê, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám đang có chiều hướng gia tăng.

[TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có dấu hiệu chững]

Trong tháng Tư và tháng Năm, bệnh viện ghi nhận gần 800 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám (tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó). Trong gần 800 trẻ đến khám 2 tháng qua có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.

Đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), bé Thuỳ Anh (31 tháng tuổi) nhập viện vào ngày thứ 5 của bệnh. Bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau rát miệng. Khi thăm khám toàn thân, các bác sỹ nhận thấy da vùng đùi 2 bên của bé rải rác mụn nước đã khô. Bé được tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết, kết quả cho kết quả mắc bệnh tay chân miệng. Sau 3 ngày điều trị, bé Thùy Anh hết sốt và đã có thể ăn được.

Một trường hợp khác là bé H.N. (15 tháng tuổi) nhập viện do sốt cao 39-40 độ không hạ, quấy khóc, đau miệng, không ăn được.

Mẹ bé H.N cho hay: “Tôi chỉ nghĩ con bị sốt, nhiệt miệng nên không ăn được, chứ không biết con mắc bệnh tay chân miệng, vì lúc ở nhà tay chân con chưa nổi nốt gì.”

Không chỉ riêng Hà Nội, theo thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần 21 (từ ngày 20/5 đến 26/5), Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 1.070 ca bệnh tay chân miệng, tăng 481 ca (81%) so với trung bình 4 tuần trước đó; trong đó số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Số ca bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 4, phường 5 (Quận 8), xã Bình Hưng (Bình Chánh), phường An Lạc (Bình Tân), Thị trấn (Nhà Bè), phường 11 (Tân Bình).

Trong tuần 21, toàn Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 10 ổ dịch tay chân miệng mới phát sinh tại 5 quận huyện (Quận 3, Quận 7, Quận 12, Bình Chánh, Bình Tân), giảm so với tuần 20 (14 ổ dịch).

Từ đầu năm đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 40 ổ dịch tay chân miệng. Tất cả các ổ dịch đều được xử lý kịp thời.

Trước tình hình trên, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi người dân tăng cường các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sự an toàn cho cả cộng đồng.

Các biện pháp phòng bệnh

Tiến sỹ Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển.

Trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện như: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.

Gia tăng trẻ em mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị ảnh 2Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo bác sỹ Đỗ Thiện Hải, đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.

Vì vậy, phụ huynh khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến điều trị kịp thời, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Đặc biệt, các gia đình khi có con mắc bệnh tay chân miệng cần báo ngay cho trường học, nhà trẻ hoặc cơ quan y tế gần nhất để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc đồng thời theo dõi sức khoẻ của các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh. Đây cũng là 1 biện pháp cần thiết để phòng bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.

Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, trẻ có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus. Do đó, chú trọng phòng bệnh trong cộng đồng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ và gia đình.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ và trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Các gia đình thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Người dân cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường./.

Ba dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh diễn biến nặng:

- Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.

- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục