Giá vàng vẫn gần mức đỉnh của hơn 4 tháng, giá dầu tiếp đà tăng

Giá vàng giao ngay tăng 1.896,74 USD/ounce do đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm; trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ chốt phiên ở mức 66,07 USD/thùng.
Giá vàng vẫn gần mức đỉnh của hơn 4 tháng, giá dầu tiếp đà tăng ảnh 1Vàng miếng được bày bán tại một cửa hàng ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng thế giới vẫn gần mức đỉnh của hơn bốn tháng trong phiên ngày 25/5 trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm giữa đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì chính sách tiền tệ thích hợp.

Vào lúc 0 giờ 42 sáng 26/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.896,74 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 8/1 là 1.898,40 USD/ounce trước đó trong cùng phiên. Giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 0,7% lên 1.898 USD/ounce.

Số liệu cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 5/2021 đã giảm xuống 117,2.

Phillip Streible, chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures tại Chicago, cho hay do niềm tin của người tiêu dùng giảm nhẹ, một số người có thể cho rằng Fed sẽ giữ quan điểm ôn hòa hơn trong một khoảng thời gian dài hơn hiện nay.

Vàng thường được coi là “kênh đầu tư an toàn” trong giai đoạn lạm phát.

Chỉ số đồng USD đã “neo” gần mức thấp của bốn tháng rưỡi khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ chạm mức thấp của hai tuần làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Trong nhiều nhận định khác nhau, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã xoa dịu nỗi lo lạm phát và nhắc lại chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay sẽ vẫn được duy trì.

[Đồng USD yếu và lợi suất trái phiếu giảm đẩy giá vàng thế giới đi lên]

Nhà phân tích Edward Meir của ED&F Man Capital Markets cho biết các thị trường đang có cảm nhận rằng lạm phát “nóng” hơn những gì Fed đang dự kiến và điều này dẫn đến việc tiền sẽ đổ vào các tài sản an toàn như vàng. Theo ông Edward Meir, vàng có khả năng sẽ leo lên mốc 2.000 USD/ounce trong nửa cuối năm 2021.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá palladium tăng 1,7% lên 2.774,22 USD/ounce, giá bạch kim giao ngay tăng 1,8% lên 1.195,54 USD/ounce, giá bạc giao ngay tăng 0,5% lên 27,93 USD/ounce.

Đầu giờ sáng ngày 26/5, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,02-56,39 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Giá vàng vẫn gần mức đỉnh của hơn 4 tháng, giá dầu tiếp đà tăng ảnh 2Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh minh họa. Yonhap/TTXVN)

Trong khi đó, giá dầu thế giới tiếp tục đi lên trong phiên 25/5, sau khi tăng mạnh trong phiên trước.

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Bảy tăng 2 xu Mỹ, chốt phiên ở mức 66,07 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York. Giá dầu Brent giao cùng kỳ tăng 19 xu Mỹ, lên 68,65 USD/thùng tại Sàn London ICE Futures.

Trong phiên 24/5, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 3,9% và 3%.

Theo nhà phân tích Eugen Weinberg tại Commerzbank Research, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, được gọi là OPEC+ có thể đang kiểm soát được cung cầu trên thị trường dầu mỏ nhờ thỏa thuận cắt giảm và những nỗ lực cắt giảm tự nguyện.

OPEC+ có thể tăng sản lượng trên 2,1 triệu thùng/ngày từ tháng Năm đến tháng Bảy, khi nhu cầu phục hồi.

Ông Weinberg cho rằng việc chỉ số USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng Một có thể cũng là một yếu tố thúc đẩy giá dầu tăng.

Chỉ số USD giảm 0,22% vào cuối phiên 25/5. Thông thường, giá dầu có xu hướng diễn biến ngược với giá USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục