Giáo hoàng Francis I thành ngôi sao trên truyền hình Italy

Giáo hoàng Francis I trở thành ngôi sao trên truyền hình Italy

Phong cách giản dị, gần gũi của Giáo hoàng Francis I đã khiến ông trở thành một trong những gương mặt nổi bật và được nhắc tới nhiều nhất trên tất cả các kênh truyền hình của Italy.
Giáo hoàng Francis I trở thành ngôi sao trên truyền hình Italy ảnh 1Giáo hoàng được rất nhiều người Italy hâm mộ, một phần vì sự giản dị và gần gũi của ngài. (Nguồn: ANSA)

Trong hai năm kể từ ngày lên ngôi ngày 13/3/2013, Giáo hoàng Francis I đã trở thành một trong những gương mặt nổi bật và được nhắc tới nhiều nhất trên các kênh truyền hình của Italy, kể cả kênh nhà nước lẫn tư nhân, thu hút sự chú ý của hàng chục triệu lượt khán giả.

Theo Critica Liberale, tạp chí Công giáo rất có ảnh hưởng tại Italy, cho dù Giáo hoàng, một người Argentina giản dị, không thích sự nổi tiếng, song sức ảnh hưởng của ngài đối với người dân Italy vẫn rất lớn.

Trong bài viết trên Critica Liberale, Enzo Marzo, Tổng biên tập của tạp chí này, cho rằng Giáo hoàng được yêu mến và thậm chí được bầu là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến người Italy chính là vì con người của ngài, một người "yêu tango, hâm mộ bóng đá, sẵn sàng làm bạn và nói chuyện với mọi người. Phép màu làm thay đổi hình ảnh của nhà thờ đối với thế giới thực ra không có gì quá to tát: Ông là Giáo hoàng của mọi nhà."

Thống kê của Critica Liberale cho thấy, các chủ đề liên quan đến những câu nói, hành động hay chuyến đi của Giáo hoàng người Argentina chiếm 34,4% trong tổng số những chương trình nói về tôn giáo của truyền hình Italy, tỷ lệ cao nhất trong số các Giáo hoàng từ trước đến nay.

"Porta a Porta," talk show thời sự-chính trị-nhân vật được theo dõi nhiều nhất ở Italy, đã dành rất nhiều số đặc biệt của mình cho Giáo hoàng trên hệ thống RAI.

Nhờ có ảnh hưởng của Giáo hoàng, 95,5% các chương trình về tôn giáo trên các kênh truyền hình Italy bàn luận về các vấn đề của đạo Công giáo, trong đó có các buổi tường thuật trực tiếp những lễ Angelus sáng Chủ nhật hàng tuần, các buổi lễ quan trọng khác của Công giáo cũng như những sự kiện khác.

Trong hai năm qua, RAI, đài truyền hình nhà nước Italy, đã thực hiện tổng cộng 572 chương trình dài ngắn khác nhau liên quan đến đạo Công giáo nói chung và Giáo hoàng Francis I nói riêng, trong khi Mediaset, hệ thống truyền hình tư nhân lớn nhất Italy, thực hiện 91 chương trình.

Đó còn chưa tính đến hàng trăm chương trình khác trên các hệ thống phát thanh khác nhau.

Về vấn đề này, ông Raffaelle Carcano, thư ký của Cơ quan giám sát truyền thông thuộc Ủy ban Quốc hội về phát thanh truyền hình Italy, việc dành quá nhiều thời lượng cho đạo Công giáo mà rất ít đề cập đến các tôn giáo khác là "không công bằng" và thể hiện quyền lực của Công giáo ở Italy quá lớn.

Luca Diotallevi, giáo sư về xã hội học ở Đại học Roma Tre thì cho rằng, điều này là hoàn toàn có thể hiểu được, do 83% dân số Italy theo Công giáo và do ảnh hưởng về truyền thông của Giáo hoàng ngày một lớn.

Hiện tại, Giáo hoàng cũng được coi là một nhà lãnh đạo thế giới được chú ý nhiều nhất trên mạng xã hội. Trong hai năm qua, ngài đã viết hơ 500 thông điệp trên trang twitter, thu hút hàng triệu người theo dõi và trích dẫn lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục