Giới chức Mỹ có sự bất đồng vì chính sách miễn thị thực

Việc dỡ bỏ Chương trình miễn thị thực nhập cảnh (VWP) vào Mỹ đối với công dân hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ là "một sai lầm."
Giới chức Mỹ có sự bất đồng vì chính sách miễn thị thực ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson ngày 29/1 cảnh báo việc dỡ bỏ Chương trình miễn thị thực nhập cảnh (VWP) vào Mỹ đối với công dân hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ là "một sai lầm."

Tại hội thảo bàn về những tiến bộ đạt được trong việc đảm bảo an ninh nội địa Mỹ và những thách thức trong tương lai - diễn ra tại trụ sở một tổ chức nghiên cứu ở thủ đô Washington, Bộ trưởng Johnson khẳng định VWP là công cụ "rất quan trọng và hữu ích" đối với giao thương quốc tế cũng như ngành du lịch.

Ông cho biết giới chức an ninh đang tích cực củng cố và cải thiện VWP bằng mọi "biện pháp thích hợp."

Cũng theo ông Johnson, các nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ mà VWP mang lại đang bị "thổi phồng" và chương trình này cần tiếp tục được triển khai.

Cảnh báo của Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ được đưa ra trong bối cảnh nhiều nghị sỹ quan ngại rằng VWP có thể khiến nước Mỹ trở nên dễ bị tổn thương.

Trước đó, hồi đầu tháng, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Dianne Feinstein - Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cảnh báo VWP có thể đẩy nước Mỹ vào nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công khủng bố do các đối tượng có quan điểm cực đoan tiến hành.

Dẫn chứng cho điều này, bà Feinstein nhấn mạnh những thủ phạm trong vụ tấn công nhằm vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở thủ đô Paris đều là công dân Pháp - một trong những nước nằm trong danh sách được miễn thị thực của Washington.

Chính khách trên bày tỏ quan ngại về khả năng các công dân nước ngoài gia nhập các tổ chức cực đoan và có thể dễ dàng nhập cảnh vào Mỹ để thực hiện tấn công khủng bố mà không gặp trở ngại nào về vấn đề thị thực.

VWP cho phép công dân các nước tham gia, chủ yếu là ở châu Âu, nhập cảnh vào Mỹ và lưu trú trong tối đa 90 ngày mà không cần xin thị thực.

Hiện có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia chương trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục