Hạ viện Pháp ngày 6/7 đã bỏ phiếu thông qua việc gia hạn tình trạng khẩn cấp lần thứ sáu liên tiếp giữa lúc các số liệu của Bộ Nội vụ nước này cho thấy Pháp vẫn đang phải đối mặt nguy cơ khủng bố ngày càng lớn.
Trong số các nghị sỹ có mặt, với 137 phiếu ủng hộ và 13 phiếu chống, Hạ viện mới của Pháp đã thông qua lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp đến tháng 11 tới.
Điều này sẽ cho phép các lực lượng an ninh được tự do trong việc khám xét và theo dõi các đối tượng tình nghi.
[Pháp xác định nhiều người bị theo dõi khủng bố sở hữu súng]
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb cho rằng đây là việc làm cần thiết để bảo đảm sự an toàn cho người dân.
Ông nhấn mạnh từ đầu năm đến nay, nhà chức trách Pháp đã ngăn chặn được 7 âm mưu tấn công khủng bố lớn có thể làm nhiều người chết.
Trong số các âm mưu tấn công khủng bố bị phát hiện, đáng chú ý có một kế hoạch tấn công tại thành phố miền Nam Marseille chỉ một tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống và kế hoạch này nếu được thực hiện có thể gây hậu quả "khủng khiếp."
Nước Pháp đã được đặt trong tình trạng báo động kể từ khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố do các phần tử thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tiến hành ở Paris vào tháng 11/2015 khiến 130 người thiệt mạng.
Tình trạng khẩn cấp trước đó đã được gia hạn 5 lần kể từ vụ tấn công trên, song sẽ hết hiệu lực vào giữa tháng Bảy này.
Tân Tổng thống Emmanuel Macron muốn kéo dài hiệu lực của tình trạng khẩn cấp đến ngày 1/11 tới nhằm thúc đẩy dự luật chống khủng bố.
Các đề xuất của Tổng thống Macron sẽ trao thêm quyền hạn cho các chính quyền địa phương nhằm bảo đảm an ninh tại các sự kiện hoặc địa điểm được cho là có nguy cơ cao bị tấn công khủng bố mà không cần lệnh của tòa án.
Dự luật cũng cho phép nhà chức trách đóng cửa trong thời gian 6 tháng đối với các cơ sở tôn giáo được cho là ủng hộ chủ nghĩa cực đoan./.