Hai quốc hội đối địch ở Libya lần đầu tiên đàm phán trực diện

Các đại diện của hai quốc hội đối địch đang tồn tại song song ở Libya đã gặp trực diện lần đầu tiên kể từ khi đàm phán hòa bình được khởi động hồi tháng Một.
Hai quốc hội đối địch ở Libya lần đầu tiên đàm phán trực diện ảnh 1Quang cảnh buổi đàm phán. (Nguồn: Reuters)

Ngày 28/6, các đại diện của hai quốc hội đối địch đang tồn tại song song ở Libya đã gặp trực diện lần đầu tiên kể từ khi các cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian được khởi động hồi tháng Một vừa qua nhằm thúc đẩy việc thành lập một chính phủ đoàn kết.

Theo thông tin đăng tải trên trang web chính thức của Phái bộ Liên hợp quốc Hỗ trợ Libya (UNSMIL), phái đoàn quốc hội được quốc tế công nhận của Libya (HoR) và các đại diện Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC) - cơ quan lập pháp cũ - đã tiến hành cuộc đàm phán cấp chuyên viên đầu tiên tại thành phố Skhirat của Maroc.

Trả lời phỏng vấn báo giới, đại diện HoR Abu Bakr Baira xác nhận hai bên đã nhất trí về hầu hết các vấn đề và dự kiến ký tắt dự thảo thỏa thuận do phái viên Liên hợp quốc Bernardino Leon đưa ra.

Về phía GNC, đại biểu Tawfik Chahibi cho biết văn kiện trên sau khi được ký sẽ được trình lên hai quốc hội Libya xem xét thông qua. Theo ông Chahibi, hai bên cần "2 đến 3 tuần" để xem xét mọi điều khoản trước khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết.

Dự thảo thỏa thuận đang được bàn bạc là văn bản đề xuất thứ 4 do phái viên Bernardino Leon đưa ra đối với các bên tham gia đàm phán hòa bình Libya, bao gồm việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc có thời hạn hoạt động trong một năm.

Giai đoạn chuyển tiếp này sẽ kết thúc bằng việc tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Hôm 24/6, HoR đã thông qua dự thảo chia sẻ quyền lực này, theo đó Hội đồng Nhà nước tối cao - cơ quan trên thực tế giữ chức năng của Thượng viện - sẽ được thành lập, quy tụ các đại diện của HoR cũng như GNC.

Tuy nhiên, HoR đề xuất đổi tên cơ quan này thành "Hội đồng Tư vấn Nhà nước" gồm 120 ghế, trong đó 45 ghế dành cho GNC, và trụ sở đóng tại thành phố Sabha ở phía Nam Libya. Thẩm quyền của hội đồng trong việc bổ nhiệm các chức vụ quan trọng như thống đốc Ngân hàng trung ương, tổng công tố, kiểm toán nhà nước... cũng được rút bớt.

Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Một chính phủ do liên minh Hồi giáo vũ trang "Bình minh Libya" thành lập sau khi lực lượng này chiếm thủ đô Tripoli hồi tháng 8/2014. Trong khi đó, chính phủ được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố Tobruk ở miền Đông.

Cũng trong ngày 28/6, Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố ủng hộ cuộc đối thoại ở Skhirat giữa các bên đối địch tại Libya. Người phát ngôn bộ trên Badr Abdel-Atty nhấn mạnh các phe phái Libya "không nên bỏ lỡ cơ hội này và cần đạt một thỏa thuận" đồng thời hoan nghênh nỗ lực của Liên hợp quốc trong vai trò trung gian đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục