Cứ vào dịp cuối tuần, kỹ sư cơ khí Choi Jong-eon lại mang theo chiếc máy ảnh Sony ra ngoài chụp ảnh những khu chung cư đã hàng chục năm tuổi ở Seoul.
Choi, một nhiếp ảnh gia nghiệp dư 31 tuổi, là một trong số ngày càng nhiều người Hàn Quốc nhìn những căn hộ cũ đang bị lãng quên bằng lăng kính mới, với sự trân trọng quá khứ.
Chia sẻ với Yonhap, Choi cho biết điều thôi thúc anh đi chụp ảnh các khu chung cư cũ chính là mong muốn lưu lại hình ảnh trước khi chúng bị phá bỏ. "Ở Seoul, bạn thường thấy cả một khu phố bị phá bỏ và xây dựng lại," Choi nói.
[Ấn tượng các tác phẩm đoạt giải nhiếp ảnh thiên nhiên thế giới 2020]
Với nhóm người chủ yếu ở độ tuổi 20-30 này, những căn hộ chung cư cũ chính là tuổi thơ, nơi họ được sinh ra và lớn lên, trưởng thành. Đặc biệt hơn, khi Choi tải những bức ảnh lên mạng xã hội, anh nhận được tin nhắn từ những người cũng từng sống trong các khu chung cư cũ, họ cùng chia sẻ và hồi tưởng về thời gian cũ cũng như những cảm xúc khi không còn được thấy nơi đã gắn bó với tuổi thơ của mình.
Việc chia sẻ lại những hình ảnh của các khu chung cư còn tạo ra diễn đàn để chia sẻ những câu chuyện của những cư dân đã trải qua cuộc đời họ ở đó.
Một trong những dự án nổi tiếng như vậy là dự án "Hi-Bye, Dunchon Apartment," tập trung vào khu chung cư Dunchon có quy mô cực lớn ở phía Đông phường Gangdong.
Dự án do Lee In-kyu, người sinh ra và lớn lên tại khu chung cư này, khởi xướng và đến nay đã thu hút hơn 5.000 người theo dõi trên Facebook, xuất bản 5 cuốn sách và một bộ phim tài liệu dài 72 phút tổng hợp các cuộc phỏng vấn và hình ảnh của những người sống tại khu chung cư hàng chục năm tuổi.
Dù một số người có thể cho rằng những căn hộ chung cư cũ không có gì đặc sắc và trông giống như những hộp diêm, nhưng với phần lớn cư dân Hàn Quốc, chúng vẫn là biểu tượng cho khả năng tài chính với tầng lớp trung lưu ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc năm 2019, 51% gia đình người Hàn Quốc, tương đương 10,01 triệu hộ gia đình, sống trong các căn hộ.
Trong số 18 triệu bất động sản trên khắp Hàn Quốc thì có 11 triệu bất động sản (62%) là các căn hộ. Nhu cầu ở chung cư của người Hàn Quốc rất cao, đặc biệt là những căn hộ mới, thể hiện qua giá chung cư ngày càng đắt đỏ.
Trong khi đó, các căn hộ chung cư cũ có hình thức giống nhau nhưng lại có những đặc điểm riêng khó có thể tìm thấy ở những căn hộ chung cư ngày nay.
Kim Ki-ho, giáo sư danh dự tại Đại học Seoul, cho biết những căn hộ được xây dựng từ những năm 1970-1980 là "bằng chứng sống" cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Hàn Quốc.
Ông Kim nói: "Cách đây 40-50 năm, những khu nhà này được xây dựng với kỹ thuật tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Chúng là kết quả của nỗ lực quốc gia nhằm đảm bảo đủ nhà ở trong bối cảnh dòng người đổ về thủ đô tìm kiếm việc làm và cơ hội mới."
Nhiều nhà sử học thậm chí còn muốn bảo tồn các căn hộ cũ thay vì chỉ lưu giữ các hình ảnh.
Chính phủ Hàn Quốc dường như cũng đang tìm cách để lưu lại lịch sử hiện đại xung quanh những căn hộ hàng chục năm tuổi nhưng làm thế nào để ghi nhớ và bảo tồn chúng vẫn là vấn đề đang được thảo luận./.