Hàng không Việt Nam đã cải thiện tình trạng chậm, hủy chuyến

Mặc dù quý 1/2017 là thời gian cao điểm của ngành hàng không Việt Nam, nhưng xét chung trên phạm vi toàn ngành, tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không đã giảm đi so với năm trước.
Hàng không Việt Nam đã cải thiện tình trạng chậm, hủy chuyến ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố số liệu chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam trong quý 1/2017.

Số liệu cho thấy, mặc dù quý 1/2017 là thời gian cao điểm của ngành hàng không Việt Nam, do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp Tết Âm lịch, nhưng xét chung trên phạm vi toàn ngành, tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không đã giảm đi so với năm trước.

Theo số liệu công bố, hãng hàng không Jetstar Pacific dẫn đầu với 2.379 chuyến trong tổng số 8.542 chuyến bay, chiếm 27,9%, tăng 7,5 điểm so với quý cuối năm 2016. Hãng này đồng thời cũng là đơn vị có tỷ lệ hủy chuyến cao nhất trong ngành với 174 chuyến hủy, tăng 0,7 điểm so với quý trước.

Các hãng hàng không còn lại là Vietnam Airlines và Vietjet Air đều đã có sự cải thiện đáng kể. Vietnam Airlines có 2.187 chuyến chậm trong tổng số 25.494 chuyến bay, đạt tỷ lệ 8,6%, giảm 6,2 điểm so với quý trước.

Vietjet Air có 2.337 chuyến chậm, chiếm tỷ lệ 12,3% trong tổng số 19.015 chuyến bay khai thác trong quý 1/2017, giảm 1,9 điểm so với quý trước. Đáng chú ý trong giai đoạn cao điểm này, Vietjet Air chỉ bị hủy tổng cộng 5 chuyến bay, trong khi Vietnam Airlines có 98 chuyến bay bị hủy.

Về phía VASCO, với 2.200 chuyến bay khai thác, có 156 chuyến bay bị chậm, và 60 chuyến bay bị hủy. Xét trong toàn quý, tỷ lệ chậm chuyến của VASCO tăng 7,1% và hủy chuyến tăng 2,1% so với quý trước.

Đánh giá chung về nguyên nhân gây chậm và hủy chuyến, theo Cục Hàng không Việt Nam, chủ yếu là do tàu bay về muộn (chiếm tới 77,5% tỷ trọng các nguyên nhân). Ngoài ra, bao gồm các yếu tố như: Trang thiết bị và dịch vụ tại cảng; Quản lý, điều hành bay; Thời tiết; Hãng hàng không...

Lĩnh vực hàng không Việt Nam đang tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ trên hai con số trong suốt nhiều năm qua. Sự phát triển “nóng” của ngành hàng không đã khiến việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sân bay không theo kịp tốc độ.

Chỉ tính riêng 6 ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 (từ 26-31/1, tức ngày 29 tháng Chạp đến mùng 4 tháng Giêng Âm lịch), sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay nhộn nhịp nhất của Việt Nam, đã tiếp nhận tới 4.208 chuyến bay trên tổng số 4.781 chuyến bay khai thác trên cả nước.

Như vậy, trung bình một ngày sân bay Tân Sơn Nhất vận hành 700 chuyến bay đi/đến với duy nhất hai đường lăn. Sự quá tải này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông hàng không cả trên trời và dưới mặt đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục