Hỗ trợ hội viên cựu chiến binh giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm

Phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn với Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam về những kết quả các cấp Hội đã đạt được trong thời gian qua.
Hỗ trợ hội viên cựu chiến binh giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm ảnh 1Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13-15/12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017​-2022 là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển lớn mạnh của Hội Cựu chiến binh.

Với những phong trào, hoạt động phong phú, thiết thực được triển khai trong 5 năm qua, các cấp Hội đã nỗ lực phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh; đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa​-hiện đại hóa.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn với Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam về những kết quả các cấp Hội đã đạt được trong thời gian qua; phương hướng, giải pháp thúc đẩy, đổi mới hoạt động Hội trong nhiệm kỳ tới.


​- Nhiệm kỳ 2012​-2017, các cấp Hội Cựu chiến binh từ Trung ương đến cơ sở đã tích cực thực hiện nhiệm vụ và thu được nhiều thành công đáng ghi nhận. Theo ông, nội dung nào đã ghi dấu ấn rõ nét nhất trong nhiệm kỳ?.

Trung tướng Nguyễn Song Phi: Nhiệm kỳ 2012-2017, các cấp Hội đã thực hiện thành công nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Tuy nhiên, có 3 nội dung chúng tôi cảm thấy tâm đắc nhất.

Thứ nhất là công tác tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền. Nội dung này đã được Hội Cựu chiến binh các cấp vào cuộc một cách thiết thực, có hiệu quả; tích cực góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tham gia vào cấp ủy Đảng, chính quyền, đóng góp tiếng nói trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng ở địa phương.

Dấu ấn thứ hai là Hội Cựu chiến binh đã cùng với cấp ủy chính quyền địa phương tham gia hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Do đó, tỷ lệ hội viên cựu chiến binh được hỗ trợ xóa đói giảm nghèo ngày càng cao.

Thứ ba là chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan như Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cấp hội ở cơ sở làm tốt công tác dân vận. Đây là nội dung đã được các cấp Hội Cựu chiến binh thực hiện rất tốt.

- Ông có thể cho biết những nhiệm vụ chính của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI?

Trung tướng Nguyễn Song Phi: Tại Đại hội lần này, các đại biểu cựu chiến binh sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung chính. Trong đó vấn đề được đưa lên hàng đầu là việc thực hiện kết luận Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, tạo điều kiện cho Hội Cựu chiến binh ngày càng phát triển, giữ vững được phẩm chất, đạo đức lối sống; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và phản bác lại những thông tin, luận điệu sai trái.

Thứ hai là việc thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo và các phong trào thi đua cựu chiến binh gương mẫu.

Cuối cùng là bàn giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền nhận thức cho thế hệ trẻ về truyền thống, giáo dục truyền thống; tổ chức các chương trình trở lại chiến trường xưa cho thế hệ trẻ hiểu cuộc sống gian lao, gian khổ của cựu chiến binh trước đây, trên cơ sở đó xây dựng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa cách mạng.

- Thời gian tới, Hội đã xác định những giải pháp gì để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Song Phi: Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Giai đoạn tiếp theo, Hội Cựu chiến binh sẽ tập trung thực hiện ba giải pháp: Tạo việc làm cho con em cựu chiến binh gặp khó khăn thông qua việc giúp họ kết nối với các doanh nghiệp; hỗ trợ cựu chiến binh tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách​ Xã hội; hỗ trợ vốn cho hội viên cựu chiến binh từ nguồn đóng góp của Quỹ Nghĩa tình đồng đội các cấp.

Ba nội dung trên khi kết hợp sẽ tạo nên thuận lợi lớn trong việc giúp đỡ các gia đình cựu chiến binh xóa đói, giảm nghèo. Những giải pháp này sẽ giúp hội viên cựu chiến binh có điều kiện tăng gia sản xuất.

Ngoài ra, Hội sẽ tiếp tục triển khai những mô hình đã phát huy được hiệu quả như “3 + 1”, “2 + 1” (3 hoặc 2 cựu chiến binh giúp đỡ 1 cựu chiến binh).

Ở những địa phương điều kiện thực sự khó khăn sẽ cố gắng xây dựng những tổ gồm 9 hoặc 5 cựu chiến binh giúp đỡ 1 cựu chiến binh…; tất cả hướng tới tập trung giảm nhanh nhất tỷ lệ gia đình cựu chiến binh thuộc diện hộ nghèo trên tinh thần thường xuyên giúp đỡ.

Hiện nay có khoảng 7.000 doanh nghiệp cựu chiến binh trên cả nước với ngành nghề, lĩnh vực đa dạng và hầu hết đều có tình hình kinh doanh ổn định. Đây là thuận lợi trong quá trình hỗ trợ việc làm cho cựu chiến binh và con em cựu chiến binh, quân nhân xuất ngũ, về hưu.

Tuy nhiên để thực hiện tốt mục tiêu vẫn còn tồn tại một số khó khăn, điển hình như việc gia tăng lại số lượng hộ nghèo, hộ khó khăn qua các đợt thiên tai, bão lụt, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới; chăm lo cho các đối tượng bị ảnh hưởng của chất độc hóa học là con em cựu chiến binh, giúp họ giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Nhiệm kỳ mới, Hội dự kiến xác lập một số mục tiêu chính như mở rộng đối tượng kết nạp vào Hội; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng hội viên theo phân cấp; tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ, bồi dưỡng, đào tạo nghề cho cựu chiến binh trong độ tuổi lao động có cơ hội tìm việc làm; xóa nhà dột nát, tạm bợ cho cựu chiến binh…

Ngoài ra, các cấp Hội sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho Hội viên cựu chiến binh thấy được vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ.

- Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa V trình Đại hội lần này có một nội dung mới được đề cập, đó là hạn chế trong việc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Xin ông cho biết đánh giá về vấn đề này?

Trung tướng Nguyễn Song Phi: Đây là thực tế qua sơ kết giai đoạn đầu thực hiện nhiệm vụ của Hội Cựu chiến binh. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa đưa ra quy chế cụ thể khi Hội Cựu chiến binh bắt đầu triển khai công tác này.

Do đó, trong giai đoạn đầu, quá trình giám sát, phản biện do Hội Cựu chiến binh chủ động thực hiện.

Tuy nhiên, vừa qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành quy chế, chương trình và giao cho cựu chiến binh xây dựng kế hoạch về hoạt động giám sát, phản biện trong nhiệm kỳ tới.

Những thay đổi này chắc chắn sẽ góp phần đưa công tác giám sát, phản biện của Hội Cựu chiến binh nhiệm kỳ tới đạt hiệu quả cao hơn.

Liên quan đến công tác phối hợp giữa hai đơn vị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam cũng đã ký kết chương trình giám sát việc thực hiện một số vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.

Bằng việc triển khai hoạt động theo chương trình phối hợp và kế hoạch cụ thể, tôi tin tưởng công tác giám sát sẽ được thực hiện tốt và chặt chẽ. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ Hội Cựu chiến binh Việt Nam được Đảng, Nhà nước giao phó.

- Trân trọng cảm ơn Trung tướng Nguyễn Song Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục