Hội đồng Bảo an cảnh báo sẽ "mạnh tay" với Nam Sudan

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cảnh báo sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với các bên tại Nam Sudan nếu tình hình bạo lực tại quốc gia này tiếp tục leo thang.
Hội đồng Bảo an cảnh báo sẽ "mạnh tay" với Nam Sudan ảnh 1Công nhân Liên minh xã hội dân sự Nam Sudan tuần hành hòa bình trước tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Juba. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 24/4 cảnh báo sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với các bên tại Nam Sudan nếu tình hình bạo lực tại quốc gia này tiếp tục leo thang.

Trong tuyên bố của mình, 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an đã bày tỏ "sự kinh hoàng và giận dữ" trước cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy tại thị trấn Bentiu của bang Unity tuần trước, thảm sát hàng trăm dân thường trong các vụ thanh trừng sắc tộc.

Hội đồng Bảo an yêu cầu các bên chấm dứt "mọi hành động xâm phạm quyền con người" và cho biết cơ quan này sẵn sàng "cân nhắc các biện pháp thích hợp," ám chỉ tới khả năng dùng tới các biện pháp trừng phạt mạnh tay.

Tuyên bố cũng kêu gọi Chính quyền Tổng thống Salva Kiir cũng như cựu Phó Tổng thống Riek Machar thúc đẩy hoạt động bảo vệ người dân và nỗ lực quay trở lại bàn đàm phán.

Theo Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS), tuần trước, lực lượng phiến quân đã càn quét một loạt khu vực thuộc thị trấn Bentiu - nơi có hàng trăm người dân Nam Sudan và người nước ngoài trú ẩn, sát hại hàng trăm dân thường sau khi xác định được sắc tộc hay quốc tịch của họ.

Tính riêng ở thánh đường Hồi giáo Kali-Ballee đã có hơn 200 dân thường thiệt mạng và hơn 400 người bị thương, ngoài ra còn có các vụ thảm sát tại một nhà thờ, bệnh viện và một trụ sở bỏ hoang của Chương trình Lương thực thế giới (WFP).

Lực lượng gìn giữ hòa bình sau đó đã cứu được hơn 500 người từ bệnh viện và các địa điểm khác, cũng như bảo vệ hàng nghìn dân thường khi họ vào trụ sở Liên hợp quốc - nơi có trên 12.000 người đang ẩn náu tại đây.

Sau các vụ thanh trừng sắc tộc này tại Bentiu, bạo lực đã lan rộng tại miền Bắc và miền Trung của Nam Sudan.

Các vụ tấn công và trả đũa đã làm hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người dân phải sơ tán đến trú tại căn cứ của Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Sudan (UNMISS), trong đó riêng căn cứ ở thủ phủ Bor của bang Jonglei là 5.000 người.

Hội đồng Bảo an đã yêu cầu Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Navi Pillay mở cuộc điều tra về vụ thảm sát tàn khốc này.

Bạo lực bùng phát tại Nam Sudan từ trung tuần tháng 12/2013, sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc các binh sỹ trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính.

Xung đột nhanh chóng lan rộng tới 10 bang của Nam Sudan, chia rẽ bộ lạc Dinka ủng hộ Tổng thống Salva Kirr và bộ lạc Nuer ủng hộ ông Riek Machar.

Theo số liệu, hàng nghìn người đã thiệt mạng trong các vụ giao tranh và gần 1 triệu người phải đi lánh nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục