Hơn 31% số ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng là công nhân lao động

Trong đợt dịch lần thứ tư, trên 9.450 ca nhiễm COVID-19 là công nhân, viên chức lao động tại địa bàn 35 tỉnh, thành phố. Số lượng công nhân lao động bị nhiễm và cách ly vì COVID-19 vẫn tiếp tục tăng.
Xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho công nhân. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho công nhân. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo thống kê mới nhất của tổ chức công đoàn, gần 500.000 công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên hoặc mất việc làm từ cuối tháng Tư đến nay. Đáng chú ý là số lượng công nhân lao động bị nhiễm COVID-19, bị cách ly ngày càng nhiều.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư với những biến chủng virus mới đã bùng phát mạnh kể từ cuối tháng Tư đến nay tiếp tục tác động mạnh mẽ tới công nhân lao động. Trên 9.450 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động tại địa bàn 35 tỉnh, thành phố, chiếm tỷ lệ hơn 31% tổng số ca lây nhiễm cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, đã có khoảng 60.000 F1, 160.000 F2 là công nhân, viên chức, lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Đặc biệt, gần 500.000 công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên hàng ngày.

Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ tư với tổng số tiền trên 113 tỷ đồng; trong đó  hỗ trợ 193.248 đoàn viên, người lao động với số tiền 96,137 tỷ đồng, chi hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch 17,127 tỷ đồng.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chi hỗ trợ cho mỗi công nhân F0 3 triệu đồng/người và 1,5 triệu đồng/người với F1 có hoàn cảnh khó khăn.

[Nghị quyết 68/NQ-CP: Triển khai ngay không chờ đợi, không thêm thủ tục]

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng phát động chương trình “Vaccine cho công nhân”, ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam với tổng số tiền 150 tỷ đồng. Tổ chức công đoàn tiếp tục đề xuất các doanh nghiệp trích kinh phí mua vaccine tiêm phòng cho công nhân.

Dự báo thời gian tới số lượng công nhân bị ảnh hưởng vẫn sẽ tăng, ông Nguyễn Đình Khang cho rằng các cấp ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ có nhiều nhóm thụ hưởng là công nhân, người lao động phải nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng hoặc mất việc, do đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phổ biến sâu rộng chính sách đến người lao động, chủ doanh nghiệp và giám sát quá trình thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục