Hợp tác Mỹ-Nga có thể mở đường cho chấm dứt cuộc chiến Syria

Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa Mỹ và Nga có thể mở đường cho một "cuộc đàm phán thực sự" về lối thoát cho cuộc chiến Syria.
Hợp tác Mỹ-Nga có thể mở đường cho chấm dứt cuộc chiến Syria ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sáng 12/4 (giờ New York), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thảo luận về tình hình Syria trước khi tiến hành bỏ phiếu vào chiều cùng ngày về dự thảo nghị quyết yêu cầu Chính phủ Syria hợp tác trong quá trình điều tra vụ tấn công bị nghi là sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhun.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa Mỹ và Nga có thể mở đường cho một "cuộc đàm phán thực sự" về lối thoát cho cuộc chiến Syria.

Ông Mistura cho rằng Mỹ và Nga phải tìm cách chung tay góp sức để giúp ổn định tình hình một cách cụ thể và thực tế, nhằm hỗ trợ tiến trình chính trị tại Syria. Ông Mistura lưu ý các bên cần coi khoảnh khắc khủng hoảng này là bước ngoặt và cơ hội để có thái độ nghiêm túc hơn trong việc tìm ra giải pháp chính trị cho vấn đề Syria.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc nội chiến Syria, vốn đã bước sang năm thứ 6.

Bà Haley nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng dùng ảnh hưởng và nguồn lực của mình để hỗ trợ hoạt động ngoại giao, giúp chấm dứt cuộc xung đột tại Syria. Tuy nhiên, bà Haley khẳng định chỉ mình cam kết của Washington đối với tiến trình hòa bình Syria là chưa đủ.

Cuộc họp kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã phải chứng kiến những màn tranh luận nảy lửa giữa các thành viên thường trực. Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Matthew Rycroft thông báo các nhà khoa học Anh đã phân tích những mẫu đất lấy từ địa điểm xảy ra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và thu được kết quả dương tính đối với chất độc sarin hoặc tương tự như sarin.

Ông Rycroft cho biết thêm Anh có chung nhận định với Mỹ rằng nhiều khả năng chính quyền Damascus là chủ mưu "vụ tấn công bằng khí độc sarin" này. Tuy nhiên, Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vladimir Safronkov đã bày tỏ thái độ hoài nghi trước phát hiện của Anh.

Dự kiến vào lúc 3 giờ chiều 12/4 (giờ New York), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu về bản dự thảo nghị quyết do Anh, Pháp và Mỹ đề xuất, trong đó có sửa đổi chút ít so với văn bản được trình hồi tuần trước nhằm phản ứng trước vụ tấn công nghi bằng khí độc sarin. Nga tuyên bố sẽ dùng lá phiếu phủ quyết vì theo họ nội dung của dự thảo này "không thể chấp nhận được."

Ít nhất 87 người đã thiệt mạng, bao gồm 31 trẻ em, trong vụ tấn công bị nghi là sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhun do quân nổi dậy chiếm đóng ở Syria. Phương Tây đã cáo buộc các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad đã thực hiện vụ tấn công này.

Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã kiên quyết phủ nhận việc can dự vào cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học này, khẳng định các lực lượng vũ trang Syria chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục