Hy Lạp tìm cách đòi Đức bồi thường tổn thất trong Thế chiến 2

Thủ tướng Hy Lạp cho biết ông cũng sẽ ủng hộ những nỗ lực của Quốc hội nhằm yêu cầu Đức bồi thường cho thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Hy Lạp trong Thế chiến 2.
Hy Lạp tìm cách đòi Đức bồi thường tổn thất trong Thế chiến 2 ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Hy Lạp và Đức, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 10/3 đã cáo buộc Chính phủ Đức sử dụng "các mánh khóe pháp lý" để trì hoãn và tránh né bồi thường cho thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Hy Lạp trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai.

Thủ tướng Hy Lạp cho biết ông cũng sẽ ủng hộ những nỗ lực của Quốc hội nhằm nêu lại vấn đề đòi bồi thường này.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Đức hồi tháng trước một lần nữa phớt lờ những yêu cầu của Hy Lạp về việc đòi bồi thường chiến tranh, với lý do vấn đề này đã được giải quyết tại các cuộc đàm phán giữa các nước lớn trên thế giới trước khi nước Đức thống nhất năm 1990.

Hiện Athens chưa công bố con số đòi bồi thường chính thức, trong khi chính quyền Berlin luôn khẳng định nước này tôn trọng mọi nghĩa vụ chiến tranh, trong đó bao gồm cả khoản bồi thường 115 triệu mark Đức (tương đương 59 triệu euro hiện nay) cho Hy Lạp hồi năm 1960.

Tuy nhiên, Thủ tướng Tsipras cho rằng đây mới là khoản bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh chứ chưa phải là sự bồi thường cho những tổn thất mà Đức Quốc xã gây ra cho Hy Lạp trong khoảng thời gian từ năm 1941-1944.

Hy Lạp từng nhiều lần lên tiếng đòi bồi thường chiến tranh trong những thập kỷ qua và các nỗ lực này được tiếp thêm động lực sau khi chính phủ nước này phải tiến hành các biện pháp kinh tế khắc khổ để đổi lấy các gói cứu trợ trị giá nhiều tỷ euro nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ.

Giới quan sát cho rằng tuyên bố mới nhất của Hy Lạp về đòi bồi thường chiến tranh sẽ càng làm gia tăng căng thẳng giữa Hy Lạp và Đức (nước đóng góp tài chính nhiều nhất trong các gói cứu trợ của châu Âu), vào thời điểm Hy Lạp đang gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các đối tác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đàm phán lại các điều khoản của chương trình cho vay cứu trợ trị giá 240 tỷ euro (260 tỷ USD) dành cho Hy Lạp từ năm 2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục