Indonesia: Cân bằng giữa sức khỏe người dân và lợi ích kinh tế

Nền kinh tế Indonesia thoát khỏi suy thoái trong quý 2 vừa qua, tuy nhiên tình hình dịch bệnh COVID-19 gia tăng đang đe dọa đà phục hồi của quốc gia này trong quý 3.
Indonesia: Cân bằng giữa sức khỏe người dân và lợi ích kinh tế ảnh 1Nhân viên Chữ Thập Đỏ phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ở Bekasi (Indonesia), ngày 9/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 16/8 nhấn mạnh cần đạt được cân bằng giữa sức khỏe của người dân và lợi ích kinh tế, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng tại quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này.

Trong thông điệp quốc gia hằng năm đọc tại Quốc hội, ông Widodo nhấn mạnh: "Dịch bệnh thực sự đã làm giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế của chúng ta, tuy nhiên không được để cho dịch bệnh cản trở tiến trình cải cách cơ cấu nền kinh tế của chúng ta. Điều chúng ta cần làm là tìm cách kết hợp tốt nhất giữa sức khỏe của người dân và lợi ích kinh tế.”

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này thoát khỏi suy thoái trong quý 2 vừa qua với tăng trưởng GDP đạt 7% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 và các hạn chế di chuyển để ngăn chặn dịch lây lan đe dọa đà phục hồi trong quý 3.

Các hạn chế dự kiến sẽ có hiệu lực đến ngày 16/8 tại Java và đến ngày 23/8 trên 4 hòn đảo lớn khác.

Mặc dù số ca lây nhiễm bắt đầu ổn định tại đảo Java, đảo đông dân nhất của Indonesia, dịch bệnh đang lây lan sang các khu vực khác của đất nước. Một số chuyên gia y tế đã lên tiếng chỉ trích việc nhà chức trách trì hoãn áp dụng các biện pháp phong tỏa cứng rắn hơn để bảo vệ nền kinh tế.

[Indonesia cam kết đảm bảo cung ứng và giá thuốc điều trị COVID-19]

Cũng trong thông điệp trên, Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ mức 939.600 tỷ rupiah (65,3 tỷ USD) - tương đương 5,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - trong năm nay xuống còn 868.000 tỷ rupiah - tương đương 4,85% GDP vào năm tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổng thống Joko Widodo cho biết mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2022 là rất quan trọng nhằm củng cố tài khóa. Đến năm 2023, thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ phải được điều chỉnh giảm xuống mức trần tối đa 3% GDP theo luật định.

Trước đó, Chính phủ Indonesia đã nới lỏng quy định về thâm hụt ngân sách nhà nước lên mức 6% GDP nhằm ứng phó với đại dịch và đặt mục tiêu giảm về mức tối đa 3% GDP vào năm 2023.

Người đứng đầu nhà nước Indonesia cho hay thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2022 sẽ được tài trợ bằng các nguồn tài chính an toàn và được quản lý cẩn trọng nhằm duy trì tính bền vững về tài khóa.

Tính đến hết quý 1/2021, thâm hụt ngân sách nhà nước của Indonesia ở mức 283.200 tỷ rupiah, cao hơn mức 257.800 tỷ rupiah cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 886.900 tỷ rupiah, trong khi chi ngân sách nhà nước lên tới hơn 1,17 triệu tỷ rupiah.

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nghèo đói tại Indonesia xuống mức 8,5-9% vào năm 2022, thấp hơn mức 9,2-9,5% dự báo trong năm nay.

Trong khi đó, Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia cho biết tính đến hết quý 1/2021, tỷ lệ này ở mức 10,14%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục