Indonesia đặt mục tiêu tiêm 50 triệu liều vaccine trong 7 tuần

Phát biểu họp báo trực tuyến, bà Reisa cho rằng mục tiêu tiêm 50 triệu liều vaccine trong 7 tuần chắc chắn sẽ đạt được vì Indonesia đang sở hữu hơn 190 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người phát ngôn của Chính phủ Indonesia về dịch COVID-19, bà Reisa Broto Asmoro ngày 18/8 cho biết mục tiêu của chương trình tiêm chủng quốc gia là cung cấp 50 triệu liều vaccine trong vòng 7 tuần kể từ cuối tháng 8 này.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu họp báo trực tuyến, bà Reisa cho rằng mục tiêu này chắc chắn sẽ đạt được vì Indonesia đang sở hữu hơn 190 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Chính phủ đã cam kết cung cấp khoảng 425 triệu liều vaccine cho 208,2 triệu dân trên 12 tuổi.

Tính đến nay, Indonesia đã nhận được 144,7 triệu liều vaccine của Sinovac dưới dạng nguyên liệu, 13 triệu liều vaccine thành phẩm của Sinovac, 16,1 triệu liều của AstraZeneca, 8,2 triệu liều của Sinopharm và 8 triệu liều của Moderna. 

Chính phủ Indonesia hiện đã cấp phép sử dụng 5 loại vaccine gồm của Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Novavax cho chương trình tiêm chủng quốc gia.

[Indonesia cam kết đảm bảo cung ứng và giá t]huốc điều trị COVID-19

Đối với chương trình tiêm chủng Gotong Royong (Hợp tác Cùng nhau) do tư nhân tài trợ, đến nay chỉ duy nhất vaccine của Sinopharm được cấp phép sử dụng.

Bà Reisa cho biết trong hai ngày tới, Indonesia sẽ tiếp nhận thêm nhiều lô vaccine do nước này đặt mua trực tiếp, cũng như các lô vaccine do các nước tài trợ, trong đó có cả vaccine qua cơ chế COVAX.

Theo Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 18/8, có 55.192.494 người ở Indonesia đã được tiêm liều thứ nhất, tương đương 26,5% mục tiêu của chính phủ, trong khi 29.403.345 người khác đã được tiêm đầy đủ hai mũi, đạt 14,12% mục tiêu.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn cảnh báo tình trạng bất bình đẳng trong tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Indonesia.

Bà Diah Saminarsih, cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc WHO, cho rằng dù Indonesia nhận được vaccine từ các chương trình hợp tác song phương và đa phương, nhưng việc phân phối vaccine đến các vùng, miền chậm chạp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh kéo dài và tâm điểm của dịch bệnh luân phiên dịch chuyển giữa các đảo. 

Theo biểu đồ tiêm chủng, khu vực thủ đô Jakarta đứng đầu tỷ lệ tiêm chủng đạt 103,91% mục tiêu đề ra, trong khi  một số nơi tỷ lệ này rất thấp, như Lampung chỉ đạt 9,91%.

Do đó, bà Diah khuyến nghị chính quyền trung ương cần huy động mọi nguồn lực để phân phối và thực hiện tiêm chủng ở các vùng miền trên khắp đất nước, nhằm nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque cho biết nước này quyết định chi 45,3 tỷ peso (899 triệu USD) từ ngân sách năm 2022 để triển khai chương trình tiêm chủng liều tăng cường cho người dân.

Động thái này diễn ra ngay cả khi giới chức y tế Philippines chưa đưa ra quyết định có cần tiêm mũi thứ 3 hay không. 

Hiện chưa rõ số tiền trên có thể mua được bao nhiêu liều vaccine. Đến nay, Philippines đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 8 loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó có của Pfizer và Moderna.

Trong những tuần gần đây, Israel, Pháp và Đức đã quyết định triển khai tiêm mũi nhắc lại cho người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém.

Tại Philippines, tính đến nay, gần 13 triệu người, chiếm 11,7% trong tổng số 110 triệu dân, đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục