Ngày 15/8, người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI), ông Behrooz Kamalvandi tuyên bố việc duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015 chỉ có ý nghĩa nếu Iran có thể được hưởng lợi từ thỏa thuận quốc tế này, nếu không Tehran có thể cắt giảm các cam kết của mình trong thỏa thuận.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, hãng tin Mehr của Iran ngày 15/8 dẫn lời ông Kamalvandi nhấn mạnh: "Cần phải có sự cân bằng giữa các cam kết và lợi ích của Iran từ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được biết đến là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Nếu chúng tôi thực hiện các nghĩa vụ của mình mà không nhận được bất cứ lợi ích nào, thì việc tiếp tục thực thi thỏa thuận sẽ không có ý nghĩa gì và chúng tôi có thể cắt giảm các cam kết của chúng tôi."
Đề cập đến quyết định của AEOI về tương lai của JCPOA, ông Kamalvandi cho biết AEOI chỉ đề xuất và trình các ý kiến lên giới chức cấp cao và hành động theo mệnh lệnh. Theo ông, những người ra quyết định ở Iran đang tính đến các kịch bản khác nhau và Tehran sẽ chuẩn bị cho mọi tình huống.
[Liên minh châu Âu tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran]
Ông cũng đánh giá cao quyết tâm và các nỗ lực của các quốc gia châu Âu nhằm bảo vệ lợi ích của Iran từ JCPOA do hậu quả của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, đồng thời cho hay Iran sẽ xem xét các kết quả hợp tác với các nước châu Âu trước khi quyết định các bước đi tiếp theo.
Ông Kamalvandi nói thêm AEOI vẫn chưa nhận được bất cứ lệnh nào từ ban lãnh đạo Iran về việc rút hay tiếp tục thực thi thỏa thuận hạt nhân, nhấn mạnh rằng nếu các bên khác, đặc biệt là các nước châu Âu, tăng cường các nỗ lực nhằm duy trì JCPOA, Iran sẽ tiếp tục tuân thủ các cam kết của mình.
Quan chức này đánh giá: "Các nước châu Âu đã kích hoạt Quy chế Ngăn chặn nhằm bảo vệ các công ty châu Âu đang hoạt động tại Iran trước những tác động của lệnh cấm vận mà Mỹ tái áp đặt đối với Tehran, nhưng chúng tôi cần phải đợi xem liệu các biện pháp này có thể giúp chúng tôi vô hiệu hóa các đòn trừng phạt hay không."
JCPOA được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7/2015 sau nhiều năm quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây, theo đó Iran có nghĩa vụ hạn chế hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Tháng trước, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini thông báo rằng Hội đồng châu Âu đã khởi động một quy chế ngăn chặn nhằm ngăn cản các công ty tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran.
Ngày 7/8, khi gói trừng phạt đầu tiên mà Mỹ tái áp đặt đối với Iran có hiệu lực, bà Mogherini và ngoại trưởng các nước Anh, Pháp và Đức đã đưa ra tuyên bố trong đó cam kết thực thi các bước đi tức thì nhằm bảo vệ các công ty châu Âu cũng như nỗ lực duy trì "các kênh tài chính hiệu quả" với Iran.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Hát-xan Rô-ha-ni) ngày 15/8 đã bác bỏ đề nghị đàm phán của Mỹ, sau khi Washington đơn phương rút khỏi JCPOA, nhấn mạnh rằng Mỹ đã "đốt bỏ các cây cầu" hướng tới thương lượng với Tehran.
Phát biểu tại một cuộc họp nội các ở thủ đô Tehran, ông Rouhani tuyên bố: "Hiện nay, nước Cộng hòa Hồi giáo đang tiến hành đàm phán với toàn thế giới. Tuy nhiên, người Mỹ đã hành động theo cách phá hủy các điều kiện cần thiết cho tiến trình đàm phán với Tehran"./.