Khủng hoảng Ukraine tác động tới triển vọng kinh tế thế giới

Tổng Giám đốc Lagarde nhận định cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể góp phần cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Kinh tế toàn cầu đã từng bước phục hồi, song chính phủ các nước cần hành động quyết liệt hơn nữa để đối phó với những thách thức nghiêm trọng.

Nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đưa ra ngày 10/4, trước thềm cuộc họp thường niên mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). Theo bà, do sự phục hồi trên toàn cầu vẫn là "quá yếu và quá chậm" khi có tới 200 triệu người thất nghiệp, cần phải có những hành động quyết liệt để tạo ra sự tăng trưởng nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững.

Tổng Giám đốc Lagarde nhận định cuộc khủng hoảng tại Ukraine, sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi, nguy cơ giảm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, hệ thống tài chính dễ bị tổn thương của hai nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cộng với những biến động thị trường tài chính thế giới chính là những thách thức cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Bà Lagarde hối thúc các nền kinh tế phát triển cải tổ chính sách tiền tệ bị thả nổi từ giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009, song cảnh báo việc thắt chặt tiền tệ quá nhanh có thể kìm hãm đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, IMF cảnh báo Trung Quốc cần khéo léo giải quyết tình trạng "bong bóng tín dụng" phi ngân hàng, trong khi Mỹ cần sớm giải quyết các nguy cơ mới trong vấn đề nợ công ty, cho vay mua cổ phiếu, đòn bẩy tài chính... Trong khi đó, vấn đề cấp bách của Chính phủ Nhật Bản là cải tổ cấu trúc tài chính, và các nền kinh tế mới nổi cần tái thực hiện các chính sách phù hợp trong bối cảnh nguồn vốn đang ngày càng eo hẹp.

Bà nói rõ các nền kinh tế mới nổi cần tăng cường các chính sách vĩ mô và thận trọng để chống lại sự dễ tổn thương của thị trường, tuy nhiên theo bà, sự mất động lực tại các thị trường mới nổi có vẻ "đã quá nghiêm trọng."

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,6% trong năm nay và 3,9% trong năm tới, đồng thời bày tỏ lo ngại về thời kỳ lạm phát thấp kéo dài tại các nền kinh tế phát triển nói chung, đặc biệt tại khu vực sử dụng đồng euro.

Bà Lagarde nhấn mạnh rằng khu vực euro cần có những biện pháp tiền tệ đặc biệt "càng nhanh càng tốt". Người đứng đầu tổ chức tài chính đa phương lớn nhất thế giới cũng hối thúc tái kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu nhanh chóng thực thi các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng giảm phát có thể đảo ngược sự phục hồi kinh tế tại châu Âu.

Tại cuộc họp, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể tác động tới triển vọng kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Nga nói riêng. Theo ông Kim, những ảnh hưởng sâu xa này có thể khiến Nga rơi vào một cuộc suy thoái tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục