Kiểm tra việc đánh giá học sinh tại lớp có 42 học sinh giỏi

Thành phần đoàn kiểm tra gồm các hiệu trưởng, tổ trưởng hội đồng bộ môn cấp tỉnh, thành phố, tổ trưởng chuyên môn thuộc các trường Trung học cơ sở trực thuộc ở Vũng Tàu.

Thông tin từ ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vũng Tàu cho biết Phòng đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện việc kiểm tra, đánh giá học sinh tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình năm học 2018-2019, theo Quyết định số 162/QĐ-PGDĐT ngày 23/5/2019 của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Thành phần đoàn kiểm tra gồm các hiệu trưởng, tổ trưởng hội đồng bộ môn cấp tỉnh, thành phố, tổ trưởng chuyên môn thuộc các trường Trung học cơ sở trực thuộc.

Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã đánh giá nghiêm túc công tác giảng dạy và tuyển sinh đầu vào của trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình và ra kết luận Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình đã thực hiện quy trình kiểm tra, đánh giá học sinh nghiêm túc, chặt chẽ, “bệnh thành tích” không tồn tại trong nhà trường.

Qua việc thẩm định, Đoàn kiểm tra nhận thấy nội dung các đề kiểm tra đảm bảo chuẩn kiến thức-kỹ năng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đề bài đã thực hiện theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; hệ thống câu hỏi, bài tập phù hợp với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, có đủ các cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

Cụ thể, trong các đề bài kiểm tra môn Toán luôn có 1 câu hỏi để phát triển tư duy của học sinh, là câu hỏi ở cấp độ vận dụng cao; môn Ngữ văn có tính phân loại rõ ràng, có nội dung gắn với thực tế, nhiều câu hỏi hay và sáng tạo...

Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện khá tốt nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá học sinh; thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình ở tất cả các khâu ra đề, coi và chấm bài kiểm tra, khâu nhận xét, đánh giá học sinh; đảm bảo khách quan, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh.

Nhà trường đã tổ chức kiểm tra tất cả các bài định kỳ của các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học theo hình thức tập trung (chia phòng theo thứ tự A, B, C của toàn khối) hoặc kiểm tra chung (đề chung, kiểm tra cùng thời gian, theo đơn vị lớp) cho toàn bộ các khối lớp đối với các môn Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Cô Nguyễn Thị Minh Toan, giáo viên chủ nhiệm lớp 6/2 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình, thành phố Vũng Tàu, cho biết lớp 6/2 có tổng số 43 học sinh, trong đó 32 học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện liên tục 5 năm tại trường Tiểu học, chiếm 74,4%; 10/43 học sinh có 4 năm hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện, chiếm 23,3% và có 1 học sinh có 3 năm hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện, chiếm 2,3%.

Điểm kiểm tra học kỳ 2 vừa qua, các môn Toán và Tiếng Việt có 43/43 học sinh đạt cả điểm 9,0 và 10,0 - đạt 100% (trong đó môn Toán có 26/43 học sinh đạt điểm 10,0 - chiếm 60,5%; môn Tiếng Việt có 33/43 học sinh đạt điểm 10,0 chiếm 76,7%).

Bên cạnh đó, kết quả năm học 2018-2019, trong tổng số 43 học sinh có 42 học sinh đạt học sinh giỏi, chiếm 97,6%; loại khá là 1/43 học sinh, chiếm 2,34% (trong đó, xếp loại hạnh kiểm loại Tốt là 43/43).

Như vậy, đầu vào học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện cấp Tiểu học so với đầu ra của khối 6 (đạt danh hiệu học sinh Giỏi) tăng 10,7%; lớp 6/2 tăng 20,9%.

[Đánh giá trúng tồn tại của ngành giáo dục để có giải pháp thực chất]

Từ thực tế chất lượng đầu vào trong công tác tuyển sinh (được Phòng Giáo dục và Đào tạo ra đề kiểm tra học kỳ, có sự phối hợp với các trường Trung học cơ sở trong việc tổ chức coi-chấm bài kiểm tra đối với lớp 5); việc tổ chức lớp học theo địa bàn dân cư và theo đối tượng học sinh đối với lớp 6/2 nhằm mục tiêu lựa chọn những học sinh có năng lực học tập, tư duy tốt, tạo môi trường thi đua, giúp học sinh đạt kết quả cao hơn trong quá trình học tập và rèn luyện. Như vậy, kết quả lớp 6/2 đạt 42 học sinh giỏi là hoàn toàn phù hợp.

Trong quá trình làm việc với đoàn, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình rút kinh nghiệm trong việc phân chia lớp, cần tổ chức lớp học theo địa bàn dân cư, không tập trung nhiều đối tượng học sinh xuất sắc vào cùng một lớp như hiện nay.

Trong năm học mới, nhà trường cần thực hiện tốt hơn nội dung đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Trường thực hiện định hướng đổi mới kiểm tra thường xuyên; điều chỉnh nội dung đề kiểm tra định kỳ đối với các môn xã hội, trong đó bổ sung các câu hỏi vận dụng cấp độ cao để học sinh phát huy tư duy sáng tạo, đồng thời phân hóa đối tượng; giảm dần, tiến tới không còn các câu hỏi tái hiện; bổ sung phần đánh giá năng lực đọc hiểu, điều chỉnh đề phân môn Tập làm văn phù hợp đối tượng học sinh trong các bài kiểm tra bộ môn Ngữ văn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục