Kiên Giang phát huy thế mạnh kinh tế chủ lực khi hội nhập ASEAN

Với thế mạnh chủ lực là lúa gạo và thủy sản, bước vào thị trường chung ASEAN, Kiên Giang có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng đối diện với không ít thách thức.
 
Kiên Giang phát huy thế mạnh kinh tế chủ lực khi hội nhập ASEAN ảnh 1Thu hoạch tôm thẻ nuôi theo mô hình an toàn sinh học. (Ảnh: TTXVN)

Với hai thế mạnh kinh tế chủ lực là lúa gạo và thủy sản, bước vào thị trường chung ASEAN kể từ ngày 1/1/2016, nông nghiệp Kiên Giang có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức.

Thế mạnh kinh tế nông nghiệp

Tiến sỹ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang nhận định: “Việc hình thành Cộng đồng ASEAN là thời cơ cho Kiên Giang, tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp; trong đó lúa gạo và thủy sản có khả năng cạnh tranh cao, thuận lợi trong việc thâm nhập vào thị trường của cộng đồng và xuất khẩu trên thị trường thế giới.”

Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản xuất lúa ở Kiên Giang phần lớn theo công nghệ sinh thái, luân canh tôm-lúa, giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện cơ giới hóa trên đồng ruộng gắn với huy động các nguồn vốn đầu tư hệ thống thủy lợi.

Đối với, lĩnh vực thủy sản, Kiên Giang tổ chức khai thác hải sản theo hướng giảm dần tàu cá công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, phát triển tàu công suất lớn khai thác xa bờ.

Cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá tập trung xây dựng đến nay đã hoàn thành đưa vào hoạt động 7 cảng cá, tổng vốn đầu tư hơn 192 tỷ đồng.

Tỉnh đang tiếp tục xây dựng cảng cá Ba Hòn, nâng cấp, mở rộng cảng cá An Thới và chuẩn bị đầu tư cảng cá Tắc Cậu giai đoạn 2.

Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản vùng ven biển phát triển khá nhanh, với nhiều hình thức đa dạng như: nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá lồng bè trên biển, nuôi nghêu, sò vùng bãi triều, nuôi cá nước ngọt, nước lợ vùng ven biển.

Tỉnh bước đầu hình thành một số vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung ở Kiên Lương, Giang Thành; kết hợp tôm-lúa vùng U Minh Thượng, ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu.

Khó khăn và thách thức

Theo Tiến sỹ Đỗ Minh Nhựt, bước vào thị trường chung ASEAN, bên cạnh nhiều cơ hội mở ra để phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, nông nghiệp Kiên Giang sẽ đối diện với không ít thách thức, khó khăn.

Đặc biệt, sản xuất lúa gạo, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sẽ chịu tác động mạnh bởi một số nước có thế mạnh về giống, thức ăn, thuốc thú y, quy trình canh tác, sản xuất tiên tiến, hiện đại… tạo ra sản phẩm hàng hóa nông sản đa dạng, chất lượng tốt, giá thành thấp.

Trong khi đó, nông nghiệp Kiên Giang còn nhiều hạn chế như sản xuất xuất nhỏ lẻ, manh mún; năng suất, chất lượng thấp, không đồng đều, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế.

Mặt khác, khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch kém phát triển, phần lớn nông sản, thủy hải sản tiêu thụ và chế biến xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu, nhất là hai mặt hàng mũi nhọn là lúa gạo và thủy sản.

Ngoài ra, hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nhất là hệ thống kiểm soát lũ, kiểm soát mặn, hệ thống tưới tiêu và trạm bơm phục vụ sản xuất lúa, thủy lợi mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất tập trung quy mô lớn.

Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, nguồn lợi thủy sản trên biển bị khai thác đánh bắt quá mức cho phép… đang là những vấn đề bất lợi, thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp Kiên Giang khi vào “mái nhà kinh tế chung ASEAN” - Tiến sỹ Đỗ Minh Nhựt dẫn giải.

Kiên Giang phát huy thế mạnh kinh tế chủ lực khi hội nhập ASEAN ảnh 2Nông dân huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) thu hoạch lúa vụ thu đông. (Ảnh: Trường Giang/TTXVN)

Hướng đến nền sản xuất chất lượng cao

Năm 2016, tỉnh Kiên Giang tập trung nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; trong đó hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Kiên Giang tập trung nâng cao năng lực canh tranh của các sản phẩm nông sản chủ lực, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.”

Theo đó, Kiên Giang đầu tư thâm canh để tăng năng suất và giá trị sản phẩm có lợi thế, sản xuất chuyên canh, hàng hóa lớn, chuỗi giá trị đồng bộ, hiệu quả và sản xuất gắn liền với thị trường; mở rộng diện tích các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị nhằm đa dạng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp, phá thế độc canh cây lúa.

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư phát triển thủy lợi, lưới điện và hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhanh cơ sản xuất tôm giống và thức ăn cho tôm nuôi, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Mở rộng diện tích nuôi tôm, nuôi cua kết hợp với tôm, nuôi sò huyết thâm canh ở vùng ven biển An Biên, An Minh, nuôi cá lồng bè ven biển ở các đảo...

Bên cạnh đó, tỉnh xúc tiến triển khai đầu tư Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi mặn, lưới điện phục vụ bơm tát...

Phát triển công nghiệp chế biến nông-thủy sản gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ tiên tiến hiện đại, tăng các sản phẩm tinh chế, đa dạng hóa các mặt hàng, nâng cao giá trị xuất khẩu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

“Trên cơ sở đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh trước hết phải tổ chức lại sản xuất, nông dân liên kết với nhau trong sản xuất nông nghiệp như hình thành các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân để sản xuất ra sản phẩm giá thành hạ, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm,” Tiến sỹ Đỗ Minh Nhựt đề xuất./.

Lê Huy Hải

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục