Làm rõ lý luận về mô hình CNXH ở Việt Nam trong điều kiện mới

Kỳ họp thứ 6 Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021

Kỳ họp thứ 6 đã thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo Kế hoạch Tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Kỳ họp thứ 6 Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 ảnh 1Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 đã tiến hành Kỳ họp thứ 6.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Kỳ họp.

Kỳ họp thứ 6 đã thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo Kế hoạch Tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011.

Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận làm rõ mục đích Tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), để góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận-thực tiễn quan trọng bổ sung, phát triển qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, trọng tâm là chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, chuẩn bị các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Về yêu cầu và nguyên tắc, tổng kết làm rõ sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), gắn với các kỳ Đại hội Đảng.

Với nguyên tắc vững vàng, trên nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tổng kết để phát triển, bổ sung, làm rõ lý luận về mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong điều kiện mới.

[Kỳ họp thứ 5 Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021]

Tổng kết trên cơ sở thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và bám sát thực tiễn, đặc biệt thông qua việc nghiên cứu những mô hình hay, những cách làm mới, sáng tạo; từ đó hoàn thiện, bổ sung, phát triển những vấn đề lý luận đặt ra qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đề xuất, kiến nghị các giải pháp đột phá, khả thi tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời, tổng kết cần làm rõ những quan điểm lý luận cơ bản của công cuộc đổi mới, sự vận dụng và phát triển, bài học rút ra qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đặc biệt, tổng kết đánh giá được mô hình phát triển của đất nước trong giai đoạn vừa qua, làm căn cứ để xây dựng lý luận về mô hình phát triển Việt Nam trong giai đoạn mới, vừa có tính đặc thù của Việt Nam vừa phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Từ việc tổng kết, xây dựng được khát vọng và tầm nhìn phát triển Việt Nam đến giữa thế kỷ XXI, thể hiện rõ những bước phát triển lớn của đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; làm rõ được động lực phát triển mới của đất nước trong giai đoạn tới - giai đoạn đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nhất là những động lực phát triển trên nền tảng đổi mới, sáng tạo.

Cùng ngày, Hội thảo khoa học đã diễn ra với chủ đề: “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Chủ nhiệm Đề tài KX.04.19/16-20 phối hợp tổ chức.

Hội thảo đã tập trung nghiên cứu, thảo luận sâu về 4 nội dung: Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; các quan điểm, nguyên tắc, phương pháp xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; thực trạng biến đổi hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay và dự báo xu hướng biến đổi của các hệ giá trị đó trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; các giải pháp, kiến nghị, định hướng chính sách nhằm xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục