Kỷ niệm ấm áp về thầy giáo Văn trong ký ức bà con dân tộc Tày Cao Bằng

Những kỷ niệm về thời kỳ hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại châu Lam Sơn năm 1942 luôn sống động trong ký ức của gia đình ông Xích Thắng - em kết nghĩa của thầy giáo Văn khi ấy.
Kỷ niệm ấm áp về thầy giáo Văn trong ký ức bà con dân tộc Tày Cao Bằng ảnh 1Tuổi trẻ tỉnh Cao Bằng tham quan, tìm các kỷ vật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời kỳ hoạt động cách mạng tại Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Những ngày cuối tháng Tám, nhân dịp Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021), phóng viên TTXVN có dịp gặp ông Dương Mạc Thăng (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng) để nghe ông kể về thời kỳ Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên ở với gia đình ông Xích Thắng ở xã Gia Bằng (nay là xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình) để hoạt động, phát triển cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc ở châu Lam Sơn (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).

Ông Dương Mạc Thăng là con trai của ông Dương Mạc Thạch (bí danh Xích Thắng), Chính trị viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Qua hồi tưởng, ông Dương Mạc Thăng cho biết theo lời mẹ ông kể lại, vào một buổi chiều muộn, ông Xích Thắng (lúc bấy giờ là Bí thư Châu ủy Lam Sơn) dẫn về nhà một người khách lạ, có giọng nói bà chưa từng nghe bao giờ.

Bà được chồng giới thiệu, người khách lạ là thầy giáo Văn. Thầy Văn lên dạy học cho thanh niên ở bản làng.

Những ngày sau đó, ông Xích Thắng và thầy giáo Văn tối tối bàn chuyện đến đêm khuya. Sáng hôm sau, thầy giáo Văn dậy ăn nhanh rồi đi cả ngày đến tối mới về. Có lần, ông Xích Thắng và thầy giáo Văn đi mấy ngày liền, bà không biết đi đâu và cũng chưa bao giờ hỏi, chỉ chú tâm lo cơm nước để các ông đảm bảo sức khỏe.

Khi thầy giáo Văn đã thân thiết và được coi là một thành viên trong gia đình, ông Xích Thắng mới nói cho vợ biết, thầy giáo Văn là người của tổ chức cách mạng, phân công lên châu Lam Sơn phát triển phong trào và xây dựng lực lượng cách mạng.

Sau này, thầy giáo Văn và ông Xích Thắng kết nghĩa anh em. Ông Xích Thắng ít tuổi hơn nên nhận là em của thầy giáo Văn.

Thời gian ở nhà ông Xích Thắng, thầy giáo Văn gần như không nề hà việc gì, thấy gia đình làm việc gì, ông cũng xắn tay áo, cùng gia đình làm việc. Tận dụng thời gian hiếm hoi được làm việc với người thân trong nhà, thầy giáo Văn tranh thủ học tiếng Tày.

Mẹ ông Thăng kể lại thầy giáo Văn bắt đầu học tiếng Tày bằng cách gọi tên những con vật, đồ dùng quen thuộc trong nhà. Sau đó, thầy Văn vận dụng những từ tiếng Tày vào nói chuyện mọi lúc mọi nơi. Sau một thời gian, thầy giáo Văn đã có đủ vốn tiếng Tày để nói chuyện thông thường với người dân trong bản.

Thời kỳ phát triển phong trào, nhà ông Xích Thắng là nơi qua lại của nhiều cán bộ cách mạng. Tại đây, thầy giáo Văn cùng Bí thư Châu ủy đã tập hợp được nhiều thanh niên để xây dựng lực lượng và tìm nơi bí mật mở lớp huấn luyện ở trên đỉnh những ngọn núi sau nhà.

Tổ chức bí mật cần nhiều gạo hơn nên mẹ ông Thăng phải nhờ cô Lớn (cô em út) đến phụ giúp giã gạo và đem gạo ra điểm hẹn bí mật để ông Xích Thắng đến lấy. Sau đó, cô Lớn được gặp thầy giáo Văn (được ông đặt bí danh là Thanh) và tham gia hoạt động bí mật với anh trai, thầy giáo Văn và lực lượng cách mạng.

Giao gạo cho cơ quan bí mật nhiều, vợ ông Xích Thắng cũng biết thầy giáo Văn mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng trên hang Kéo Quảng. Sau này, vào tháng 5/1942, tại hang này, Bác Hồ cũng đã đến mở lớp huấn luyện chính trị cho các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Cao Bằng.

[Ký ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng người dân Mường Phăng]

Tết Nguyên đán năm 1942, thầy giáo Văn ăn Tết cùng gia đình ông Xích Thắng. Dù trong hoàn cảnh bí mật, đồ ăn thức uống đạm bạc, chỉ có ba người ăn Tết với nhau, nhưng vợ ông Xích Thắng thấy vui, ấm cúng và yên lành.

Năm mới tới, thầy giáo Văn cũng thực hiện phong tục xuất hành đi về phía Nam và gieo quẻ, cả ba quẻ đều bảo cách mạng nhất định thắng lợi.

Sau Tết không lâu, ông Xích Thắng và thầy giáo Văn di chuyển vào Tam Kim chuẩn bị các điều kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944) và tiến hành trận đánh Đồn Phai Khắt-Nà Ngần, trận đánh thắng đầu tiên của đội quân non trẻ.

Kỷ niệm ấm áp về thầy giáo Văn trong ký ức bà con dân tộc Tày Cao Bằng ảnh 2Tuổi trẻ tỉnh Cao Bằng thăm quan Bức phù điêu lớn 34 chiến sỹ trong buổi lễ thành lập Đội Việt nam tuyên truyền Giải phóng quân. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của Bác Hồ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người lãnh đạo trực tiếp. Ông Xích Thắng được giao làm Chính trị viên của Đội. Điều này thể hiện sự tín nhiệm, sự tin tưởng của Đại tướng với người đã cùng hoạt động trực tiếp với ông và dìu dắt nhau qua những ngày tháng gian khổ.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông Xích Thắng cùng một chi đội của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thực hiện Nam tiến, tham gia giải phóng Bắc Kạn (năm 1949). Chính quyền cách mạng được thành lập, ông Xích Thắng rời quân ngũ sang giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, khi ông mới 30 tuổi.

Vào năm 1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có cuộc gặp mặt các đồng chí cán bộ cùng hoạt động trong thời kỳ bí mật của tỉnh Cao Bằng tại Quân Khu 1.

Thời điểm này, ông Xích Thắng đang công tác tại Trường Đại học Nông nghiệp III, do bị chảy máu dạ dày nên ông không thể tham dự cuộc gặp mặt. Đại tướng luôn miệng hỏi: “Xích Thắng ở đâu? Sao không thấy Xích Thắng?”

Khi được biết lý do, ông đã ra lệnh cho Văn phòng Quân khu đưa đồng chí Xích Thắng lên máy bay trực thăng của Đại tướng đến Bệnh viện Trung ương Quân đội để điều trị.

Có thể nói, qua những câu chuyện được kể lại, mỗi thành viên trong gia đình ông Thăng luôn dành một vị trí quan trọng trong tim để nhớ về Bác Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kết thúc cuộc trò chuyện, ông Dương Mạc Thăng nhấn mạnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước hết là người chiến sỹ tiêu biểu của cách mạng, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam; là anh hùng của dân tộc Việt Nam, người của nhân dân; là tấm gương của nhiều nhà hoạt động chính trị đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp năm châu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục