Lai Châu: Lễ hội Áp Hô Chiêng - Nét văn hóa của người Thái trắng

Lễ hội Áp Hô Chiêng đã được huyện Phong Thổ phục dựng vào năm 2014 và đây là năm đầu tiên trong Lễ hội Then Kin Pang tổ chức lễ hội này.
Lai Châu: Lễ hội Áp Hô Chiêng - Nét văn hóa của người Thái trắng ảnh 1Các cô gái thái xinh xắn tham gian Lễ hội Áp Hô Chiêng. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Mới đây, Lễ hội Áp Hô Chiêng (Lễ hội gội đầu năm mới chỉ diễn ra vào chiều 30 Tết) của đồng bào Thái trắng đã được tái hiện tại con suối Nậm Lủm, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Lễ hội này đã được huyện Phong Thổ phục dựng vào năm 2014. Đây là năm đầu tiên trong Lễ hội Then Kin Pang tổ chức Lễ hội gội đầu.

Với người Thái trắng ở khu vực Mường So, Khổng Lào, Lễ hội Áp Hô Chiêng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần, là nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, mang tính nhân văn sâu sắc, thân thiện của con người với tự nhiên.

Lễ hội gắn với câu chuyện về Nàng Han giả trai đi đánh giặc, chiến thắng trở về vào ngày 30 Tết. Nàng Han cùng quân lính nghỉ ngơi, tắm gội bên bờ Nậm Bó thuộc suối Nậm Lùm để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Nơi nàng Han tắm, bầu trời bỗng tỏa ánh hào quang, xuất hiện một đám mây ngũ sắc đón nàng về trời. Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn công lao to lớn đó, người dân đã lập miếu thờ cúng Nàng Han vào dịp lễ, Tết và tổ chức nghi lễ gội đầu vào chiều 30 Tết hằng năm để cầu mong Nàng Han che chở, ban phát cho con người sức khỏe, tình yêu, hạnh phúc và bản, mường yên vui, mùa màng bội thu.

Vì vậy, theo quan niệm của người Thái, nếu như ai chưa được gội đầu vào 30 Tết coi như chưa gột rửa những điều không may trong năm cũ và điều ấy sẽ theo vào năm mới. Do đó, với người Thái trắng, khi hết một năm cũ, chuẩn bị bước vào năm mới, mọi người trong bản đều phải gội đầu để rửa trôi những cái vất vả, điều không may mắn, xui xẻo của năm cũ, tống tiễn tai ương, bệnh tật xuôi theo dòng nước đi mãi không gặp lại.

[Lễ hội Then Kin Pang - Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái trắng]

Đồng thời, người dân nơi đây cầu mong năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt. Gội đầu năm mới thể hiện niềm tin của con người đối với các đấng tâm linh, cầu mong những điều may mắn. Điều đó đã trở thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được người dân tộc Thái trắng Tây Bắc nói chung, huyện Phong Thổ nói riêng và được mọi người coi trọng, gìn giữ đến ngày nay.

Nghi thức trong Lễ hội Gội đầu năm mới - “Áp hô chiêng” gồm 4 phần: Thiêng hóa và khai lễ; Dâng hương và tẩy trần cầu may; Cúng thần đất, thần sông và cầu phúc; và Áp hô chiêng và mở hội.

Sau khi làm các nghi thức Thiêng hóa và khai lễ; dâng hương và tẩy trần cầu may tại nhà Then, đoàn rước nước di chuyển ra dòng suối Nậm Lùm để thực hiện nghi thức Cúng thần đất, thần sông và cầu phúc. Sau đó, 30 cô gái người dân tộc Thái tiến hành vẩy nước bồ kết trừ tà và thực hành lễ Gội đầu trước sự chứng kiến của Nhân dân và du khách thập phương.

Vào ngày lễ, dân làng tổ chức nghi thức đến miếu Nàng Han để xin nước tại mó nước Nàng Han rồi rước về làm phép để cầu an, trừ tà với quan niệm rằng lúc này Nàng Han đã đi cùng xuống sông để gội đầu. Theo đoàn nghi thức còn có trống, tiếng chiêng nhằm xua đuổi tà ma ra khỏi làng bản, để người dân được bình an vui xuân đón Tết, mở hội.

Ông Nông Văn Nảo, Nghệ nhân Ưu tú người dân tộc Thái ở huyện Phong Thổ cho biết sau khi làm lễ ở nhà Then, thầy chủ tế rửa mặt, rửa tay cảm tạ Then đã ban nước lộc cho bản làng. Đoàn nghi lễ tiếp tục đi xuống phía bờ suối. Tại đây, chủ tế thực hành nghi lễ một lần nữa cúng thần núi, thần sông và cầu phúc, thể hiện ý nguyện của dân làng với các vị thần trong năm mới, cũng như tạ ơn một năm được các vị thần hỗ trợ, bảo vệ.

Tại bờ suối, trước khi gội đầu, các cô gái Thái sẽ thoa nước dâng Then và lá thơm lên tóc như một sự tôn kính và tưởng nhớ nữ tướng Nàng Han thuở xưa gội đầu nơi đây.

Lai Châu: Lễ hội Áp Hô Chiêng - Nét văn hóa của người Thái trắng ảnh 2Vẻ đẹp của các cô gái Thái tại Lễ hội gội đầu. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Những người được chọn tham gia lễ hội là những phụ nữ đẹp nhất của bản làng. Sau khi làm lễ xong, các cô gái Thái mặc váy, để đầu trần đi xuống dòng suối đứng thẳng hàng bắt đầu làm lễ gội đầu. Những mái tóc dài đen óng thả dưới dòng nước. Khi nghe tiếng chiêng hiệu lệnh, mọi người bung tỏa áng tóc hất lên cao. Du khách đứng trên bờ suối nhìn cảnh tượng đó thật đẹp mắt và ngoạn mục. Vẻ đẹp sơn cước của người con gái Thái lại càng tỏa sáng rực rỡ khiến du khách không khỏi xuýt xoa, xao xuyến.

Để lễ gội đầu diễn ra tốt đẹp, trước đó hàng tuần, người con gái Thái đã vo gạo nếp để lấy nước, nước gạo được để trong chum hoặc nồi cất giữ cả tuần hoặc lâu hơn, để càng chua càng tốt. Đôi lúc, nước gội đầu là những hương liệu dầu quả bồ kết pha lẫn nước vo gạo, cánh hoa rừng. Đây chính là một bí kíp để giúp cho mái tóc người con gái Thái đen dài, mượt mà, óng ả.

Theo chị Mã Thị Thảo, xã Khổng Lào, đây là lần đầu tiên chị tham gia lễ hội. Chị cảm thấy vinh dự và tự hào vì nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân thộc Thái ngày nay không mai một mất đi mà được lưu giữa lại rất tốt. Chị mong muốn, lễ hội gội đầu này sẽ được tái hiện nhiều hơn để ngày càng lan tỏa trong cộng đồng cũng như để du khách xa gần biết đến.

Nhiều du khách đến với Lai Châu, đúng dịp tái hiện lại Lễ hội Áp Hô Chiêng đã không khỏi trầm trồ, thích thú khi được hòa mình vào lễ hội. Chị Hoàng Thị Tuyên, du khách đến từ Hà Nội cho biết thật may mắn khi được trải nghiệm không gian văn hóa này mà không phải lúc nào du khách cũng có thể bắt gặp. Các cô gái Thái khi gội đầu rất đẹp, rất duyên dáng. Đây là trải nghiệm khó quên.

Lễ hội Áp Hô Chiêng của người Thái trắng ở Phong Thổ chứa đựng lịch sử hình thành làng bản, môi trường sống, về tình yêu quê hương và sự gắn kết cộng đồng; giá trị tín ngưỡng phồn thực cổ xưa, giao hòa âm dương, những giá trị diễn xướng khác nhau, đáp ứng nhu cầu mong người yên, vật thịnh, vạn vật sinh sôi, phát triển; thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với thế giới thần linh.

Những nét độc đáo về văn hóa đã thu hút khách du lịch đến tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Thái trắng nơi đây. Từ đó góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cũng trong ngày diễn ra lễ hội năm nay có gần 150 vận động viên của 6 xã có vùng đồng bào dân tộc Thái sinh sống (Mường So, Khổng Lào, Hoang Thèn, Bản Lang, Nậm Xe, thị trấn Phong Thổ) tham gia thi đấu các môn thể thao dân tộc: đẩy gậy, kéo co bằng tay, bắn nỏ, tung còn, tó má lẹ.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục