Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh các chi phí kinh doanh rất lớn và điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của công ty trong xu thế hội nhập. Trong bối cảnh đó, các dòng vốn đang có xu hướng dịch chuyển ra ngoài lãnh thổ.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam - VPSF 2017, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng An Bình, đại diện nhóm chuyên đề “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5” đã đưa ra những con số rất đáng suy nghĩ.
Gánh nặng chi phí
Theo ông Tiền, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi phí logisitics so với GDP của Việt Nam đạt xấp xỉ 23%, trong khi mức trung bình thế giới là khoảng 10%, bên cạnh đó chi phí vốn cũng cao gấp 2-3 lần so với mức trung bình của ASEAN (từ năm 2011 - 2016)
Thêm vào đó, khảo sát từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt NamVCCI) cũng nêu ra, các doanh nghiệp đang phải trả các khoản chi phí không chính thức lên tới 10%/tổng chi phí.
Ông Tiền cho rằng, bài toán mà Chính phủ cần phải giải quyết là làm sao để những các con số nêu trên giảm về được mức trung bình của khu vực và thế giới, từ đó cắt giảm chi phí nhằm tạo động lực và cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp.
Cũng nói về sự thua thiệt của doanh nhân Việt, song ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT lại đề cập đến môi trường kinh doanh, mà cụ thể ở đây là hệ thống các thủ tục hành chính rườm rà.
Theo ông Bình, giai đoạn 3 năm (2014 – 2017), Việt Nam mới đưa được 39/247 thủ tục hành chính (chiếm tỉ lệ chưa tới 16%) lên Cổng một cửa quốc gia, trong khi kế hoạch của Chính phủ khi triển khai Cổng một cửa quốc gia và theo cam kết hội nhập là 80% vào năm 2018 và 100% vào năm 2020.
[Đối thoại doanh nghiệp và Chính phủ hướng tới chương trình hành động]
Dòng tiền “có chân”
Mục tiêu đầu tư kinh doanh là lợi nhuận, do đó các dòng tài chính hiển nhiên có xu hướng dịch chuyển từ môi trường kinh doanh kém hiệu quả sang những nơi thuận lợi hơn.
Cũng tại Diễn đàn, ông Don Lam, Thành viên sáng lập và Tổng Giám đốc tập đoàn VinaCapital nói về câu chuyện dòng tiền chảy ra bên ngoài và cho rằng số tiền mà người Việt mua nhà tại Mỹ không chỉ dừng ở mức công bố 3 tỷ USD mà trên thực là lớn hơn nhiều.
“Số liệu ước tính chưa đầy đủ của các chuyên gia tư vấn định cư, mỗi năm người Việt Nam chuyển khoảng từ 10-12 tỷ USD thông qua các suất đầu tư nhà đất và dự án của nhóm các doanh nhân,” ông Don Lam nêu ra.
Theo ông này, Chính phủ nên đối thoại cùng với doanh nghiệp nhằm tìm ra chiến lược thu hút lại các dòng vốn đang có xu hướng dịch chuyển ra ngoài lãnh thổ.
Hướng tới một môi trường kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhóm công tác của Diễn đàn đã đề xuất ra một số giải pháp. Theo đó, các cơ quan quản lý cần rà soát lại toàn bộ hệ thống quy định, thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, điều chỉnh đảm bảo nguyên tắc "cơ hội cao nhất - rủi ro thấp nhất."
Ông Bình cho rằng, Chính phủ cần thiết lập một cơ chế hợp tác công - tư chặt chẽ, không hình thức và xuyên suốt trong quá trình thúc đẩy các nhiệm vụ cải cách chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế tư nhân và nền kinh tế.
“Chính phủ xem xét và nghiên cứu thành lập Tổ hợp tác công - tư do cả hai khu vực công - tư đồng vận hành để giám sát triển khai Nghị quyết Trung ương 5, có như vậy mới khai thác được vai trò của tư nhân trong việc cung cấp thông tin thực tế, giám sát độc lập việc ban hành - thực thi chính sách, pháp luật cũng như cung cấp những sáng kiến cải cách hoặc các hỗ trợ kỹ thuật để thực thi các nhiệm vụ do Chính phủ chỉ đạo,” ông Bình nói./.