Làm rõ trách nhiệm khi Metro Bến Thành-Tham Lương đội vốn lên 2 tỷ USD

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, ngân sách Trung ương nếu vay nước ngoài để bổ sung vốn cho dự án tàu điện ngầm tuyến Bến Thành-Tham Lương sẽ tác động không nhỏ tới tỷ lệ nợ công.
Làm rõ trách nhiệm khi Metro Bến Thành-Tham Lương đội vốn lên 2 tỷ USD ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, ngân sách Trung ương nếu vay nước ngoài để bổ sung vốn cho dự án tàu điện ngầm (metro) tuyến Bến Thành-Tham Lương (Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ tác động không nhỏ tới tỷ lệ nợ công.

Đây là ý kiến vừa được đại diện Bộ Tài chính gửi Văn phòng Chính phủ đóng góp về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án metro Bến Thành-Tham Lương lên hơn 2 tỷ USD, tăng khoảng 51% so với mức đã được phê duyệt trước đó.

Về tăng tổng mức đầu tư, lãnh đạo ngành tài chính đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định rõ nguyên nhân, khách quan, chủ quan và làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án.

Theo văn bản, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất áp dụng cơ chế tài chính với phần vốn tăng thêm theo nguyên tắc đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2008.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá, theo đề nghị này, ngân sách Trung ương phải vay nước ngoài để cấp phát bổ sung cho dự án đối với phần vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và chi phí khác. Điều này theo Bộ Tài chính sẽ tác động không nhỏ tới nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của ngân sách Nhà nước và tỷ lệ nợ công.

Bởi vậy, Bộ Tài chính kiến nghị áp dụng cơ chế tài chính ngân sách Nhà nước cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vay lại toàn bộ phần vốn tăng thêm cho dự án theo điều kiện vay nước ngoài.

Để thực hiện cơ chế trên, Bộ Tài chính kiến nghị tách riêng giá trị dự kiến ban đầu của các gói thầu được áp dụng cơ theo nội dung đầu tư như đã được phê duyệt ban đầu và giá trị điều chỉnh tăng áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ.

“Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh rà soát tiến độ triển khai thực hiện từng gói thầu của dự án và có các giải pháp quản lý để tránh tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện, có thể làm tăng tổng mức đầu tư do tăng chi phí quản lý, chi phí lãi vay, rủi ro tỷ giá và biến động giá xây dựng,” văn bản Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) có tổng chiều dài 11,322km: gồm 9,315km đi ngầm, 0,232km chuyển tiếp, 0,778km đi trên cao và 0,997km nối vào depot Tham Lương với diện tích 25ha. Tổng mức đầu tư là 26.116 tỷ đồng, tương đương 1,374 tỷ USD. Thời gian thực hiện từ năm 2010 đến 2018.

Theo tính toán của tư vấn cũng như thông qua các đợt kiểm tra tình hình thực hiện dự án của các nhà tài trợ vào tháng 3/2015 và tháng 7/2015, tổng mức đầu tư dự án hiện nay là 2,074 tỷ USD, tăng khoảng 51% (khoảng 700 triệu USD) so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, chưa bao gồm hạng mục nhà ga Bến Thành và chi phí chuẩn bị vận hành và bảo dưỡng.

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 2 tăng có một số nguyên nhân như tăng 239,98 triệu USD (17,5%) do trượt giá và lạm phát trong 5 năm (2010-2015), nguyên vật liệu và tiền lương tăng; tăng 460,32 triệu USD ( 33,5%) do tối ưu hóa thiết kế, bổ sung khối lượng,.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục