Làm rõ vấn đề sử dụng vốn tại Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên

Công ty Nam Tây Nguyên đang được giao quản lý hơn 27.000ha rừng, đất rừng. Dù tích cực trong bảo vệ và phát triển rừng, công ty còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp.
Làm rõ vấn đề sử dụng vốn tại Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên ảnh 1Công trình trạm Quản lý bảo vệ rừng kết hợp điểm dừng nghỉ của Công ty Nam Tây Nguyên. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (gọi tắt là Công ty Nam Tây Nguyên) được giao quản lý, bảo vệ rừng với diện tích lớn, tập trung tại khu vực biên giới. Thời gian qua, việc quản lý, sử dụng vốn, nguồn lực của Nhà nước tại đơn vị này có nhiều vấn đề cần sớm được làm rõ.

Tùy tiện sử dụng vốn, nguồn lực của Nhà nước

Năm 2019, một nhà nuôi chim yến được xây dựng trên lâm phần được giao cho Công ty Nam Tây Nguyên và trên khu vực đất đai được quy hoạch là đất rừng sản xuất. Công trình có diện tích 160m2, dự toán kinh phí gần 500 triệu đồng. Việc xây dựng nhà nuôi chim yến bị cơ quan chức năng xác định là không nằm trong phương án sản xuất kinh doanh của công ty và trình tự, thủ tục cũng bị xác định là sai quy định.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông khẳng định: Theo quy định của Luật Đất đai, khu vực xây dựng nhà nuôi chim yến phải được chuyển đổi mục đích sử dụng đất là đất nông nghiệp khác nhưng trên thực tế Công ty Nam Tây Nguyên chưa thực hiện việc chuyển đổi.

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của Công ty Nam Tây Nguyên được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông phê duyệt vào thời điểm này không có nội dung xây dựng nhà nuôi chim yến.

Đáng chú ý hơn, dự án nhà nuôi chim yến được Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, khởi công xây dựng trong thời gian từ tháng 4-6/2019, nhưng đến ngày 30/7/2019, Chủ tịch Công ty này mới phê duyệt phương án liên kết, đầu tư kinh doanh chung; trong đó, có dự án nhà nuôi chim yến.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cho rằng việc phê duyệt đầu tư xây dựng công trình chưa đảm bảo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tương tự, năm 2020, một nhà quản lý, bảo vệ rừng kết hợp điểm dừng nghỉ được xây dựng trên lâm phần đã giao cho Công ty Nam Tây Nguyên quản lý. Đây là công trình xây dựng cấp 3, có tổng diện tích hơn 340m2, tổng mức đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng xác định công trình “không phù hợp với công năng một trạm quản lý, bảo vệ rừng;” không đúng phương án sản xuất kinh doanh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nhiều nội dung thực hiện không đúng các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Cụ thể, công trình sử dụng gần 150m3 gỗ; trong đó, gỗ tự nhiên có nguồn gốc từ khai thác gỗ đổ, ngã hơn 74m3, gỗ có nguồn gốc rừng trồng hơn 56m3.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, tại các văn bản được ban hành vào các tháng 7/2019 và 12/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông chỉ cho phép công ty được sử dụng gỗ khai thác tận thu để sửa chữa trạm quản lý, bảo vệ rừng, không cho phép sử dụng loại gỗ này để xây mới trạm quản lý bảo vệ rừng kết hợp điểm dừng nghỉ.

Làm rõ vấn đề sử dụng vốn tại Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên ảnh 2Đất đai bị lấn chiếm, xây dựng nhà và rao bán trái phép trước trụ sở Công ty Nam Tây Nguyên. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Việc công ty sử dụng gỗ thông khai thác từ rừng trồng để xây dựng trạm là thực hiện không đúng ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Trong các năm 2018-2019, Công ty Nam Tây Nguyên triển khai trồng hơn 100ha rừng tại các tiểu khu 1500 và 1504; hai loại cây trồng chính là điều và mắc ca. Việc trồng rừng được thực hiện theo phương án liên kết với một số hộ dân, tổng vốn dự kiến hơn 5,1 tỷ đồng; trong đó, vốn của công ty hơn 1,7 tỷ đồng.

[Tổng cục Lâm nghiệp: Chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng tại Đắk Nông]

Tuy nhiên, khi kiểm tra thực địa vào tháng 5/2022, đoàn kiểm tra của tỉnh xác định không có dấu tích của cây mắc ca. Theo báo cáo của Công ty Nam Tây Nguyên thì cây mắc ca bị chết do khách quan là “thời tiết bất thường, khô hạn năm 2018-2019 kéo dài.” Còn theo một số cơ quan chức năng, cây mắc ca bị chết là do chủ quan, vì khu vực này thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp với cây mắc ca.

Liên quan tới vấn đề này, tháng 11/2021, Sở Tài chính Đắk Nông đã có công văn lưu ý, Chủ tịch Công ty Nam Tây Nguyên được sử dụng vốn, tài sản, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhưng phải tuân thủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; phù hợp với chiến lược sản xuất kinh doanh của công ty và đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, năm 2018, Chủ tịch Công ty Nam Tây Nguyên đã phê duyệt và triển khai thực hiện hai phương án liên doanh, liên kết đầu tư trên diện tích 135ha khi chưa có chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Việc trồng cây tại một số diện tích được xác định “chưa đảm bảo tỷ lệ sử dụng đất theo quy định” và “trồng cây nông nghiệp, cây ăn quả tập trung trên diện tích quy hoạch phát triển rừng...”

Cần thanh tra tổng thể

Công ty Nam Tây Nguyên đang được giao quản lý hơn 27.000ha rừng, đất rừng. Đây là doanh nghiệp được giao quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng với diện tích lớn thứ hai tỉnh Đắk Nông.

Tuy nhiên, khác với phần lớn các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp khác của tỉnh Đắk Nông, Công ty Nam Tây Nguyên có nguồn thu lớn, bền vững và được đảm bảo từ chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 800.000 đến 1 triệu đồng/ha rừng/năm.

Liên quan tới các vi phạm mà các cơ quan chức năng chỉ ra, ông Phạm Hòa Dũng, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết mục tiêu của công ty là cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Mấy năm nay, đơn vị đã triển khai nhiều mô hình liên kết trồng rừng với các hộ dân với ưu tiên hàng đầu là nâng cao độ che phủ rừng, giúp người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Phạm Hòa Dũng khẳng định: Các dự án nhà nuôi chim yến, trạm quản lý bảo vệ rừng kết hợp điểm dừng nghỉ đều có trong phương án sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt. Đối với các vi phạm liên quan tới đất đai, trình tự thủ tục, quy mô xây dựng, công ty đang xin điều chỉnh cho phù hợp.

Liên quan tới việc trồng mắc ca tại các tiểu khu 1500 và 1504, ông Phạm Hòa Dũng cho biết: Tổng số tiền mua giống mắc ca hơn 300 triệu đồng và toàn bộ mắc ca đã chết hết. Tuy nhiên, người dân đã tự khắc phục bằng cách bỏ tiền ra để mua cây điều và trồng lại trên diện tích này.

Làm rõ vấn đề sử dụng vốn tại Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên ảnh 3Đất đai bị lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trước trụ sở Công ty Nam Tây Nguyên. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, thời gian qua, Công ty Nam Tây nguyên đã tích cực, chủ động trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên lâm phần được giao cho Công ty quản lý được hạn chế và giảm dần qua các năm. Nhiều điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng được xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, Công ty Nam Tây Nguyên cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, nổi bật là thực hiện không đúng một số chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Điển hình là việc quản lý lâm sản tận thu từ rừng tự nhiên, khai thác từ rừng trồng; trồng lại rừng sau khai thác; xây dựng một số công trình, hạng mục không đúng phương án sản xuất kinh doanh cũng như trình tự, thủ tục không đúng các quy định pháp luật…

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, đơn vị đã kiến nghị cấp có thẩm quyền giao Thanh Tra tỉnh Đắk Nông thanh tra toàn diện hoạt động của Công ty Nam Tây Nguyên, giai đoạn 2017-2021.

Việc thanh tra nhằm chấn chỉnh, xử lý khách quan, toàn diện các vấn đề tồn tại của công ty; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện của người dân, nhất là các hộ đang liên kết với công ty để phát triển nông-lâm kết hợp; cũng như hạn chế các sai sót trong quản lý tài sản, tài chính của Nhà nước tại doanh nghiệp này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục