Lễ hội cầu ngư Ngư Lộc trở thành di sản văn hóa quốc gia

Lễ hội Cầu ngư (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ hội cầu ngư Ngư Lộc trở thành di sản văn hóa quốc gia ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan này đã chính thức công nhận Lễ hội Cầu ngư (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng Hai Âm lịch hàng năm, kéo dài trong bốn ngày, thể hiện ước mong “mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng” để việc ra khơi được thuận lợi của người dân địa phương.

Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với nghi thức rước thuyền Long Châu (lễ vật quan trọng nhất trong lễ hội cầu ngư), thể hiện sự tôn kính của người dân chài với các thần linh và sự đoàn kết của cộng đồng cư dân vùng biển…

Sau đó, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao thể hiện đậm nét đặc trưng của vùng biển như: thi câu mực, kéo lưới, hát giao duyên, biểu diễn nhạc lưu thuỷ...

[Ngất ngây với những mùa hoa tạo nên thương hiệu "Sắc màu Tây Bắc"]

Bên cạnh đó, trong đợt này, sáu di sản văn hóa khác (thuộc địa bàn các tỉnh/thành phố: Điện Biên, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa và Hải Phòng) cũng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những di sản này thuộc các loại hình: lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Lễ hội cầu ngư Ngư Lộc trở thành di sản văn hóa quốc gia ảnh 2Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, Điện Biên). (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, sáu di sản văn hóa phi vật thể này bao gồm:

1/ Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, Điện Biên).

2/ Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa (xã Sa Lông, huyện Mường Chà, Điện Biên).

3/ Lễ hội Vật làng Vĩnh Khê (xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng).

4/ Lễ Xăng Khan (Kin chiêng boóc mạy) của người Thái (huyện Quế Phong, huyện Quỳ Châu, huyện Quỳ Hợp, huyện Tương Dương, huyện Kỳ Sơn, huyện Con Cuông, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An).

5/ Lễ hội Đền Lộng Khê (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình).

6/ Ngũ trò Viên Khê (dân ca Đông Anh) (xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Thông tin trên được nêu rõ tại Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 20).

Đến nay, trên địa bàn cả nước có 228 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục