Libya cân nhắc thời điểm tổ chức bầu cử nếu đàm phán hòa giải thất bại

Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya sẽ họp xem xét việc tổ chức các cuộc bầu cử trong vòng 6 tháng tới nếu tiến trình giải quyết chính trị tại nước này dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc bị thất bại.
Libya cân nhắc thời điểm tổ chức bầu cử nếu đàm phán hòa giải thất bại ảnh 1Thủ tướng Fayez Serraj. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuần tới, Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya sẽ họp xem xét việc tổ chức các cuộc bầu cử trong vòng 6 tháng tới nếu tiến trình giải quyết chính trị tại nước này dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc bị thất bại.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 16/11, Chủ tịch Hội đồng Cấp cao nhà nước Libya Abderrahmane Souihli đưa ra thông báo trên sau cuộc gặp tại Tripoli với Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Libya, bà Bettina Muscheidt.

Ông xác nhận rằng cuộc bầu cử sẽ được xem xét trong trường hợp các cuộc đàm phán hòa giải hòa bình đổ vỡ.

Quan chức Libya cũng thận trọng khi nhấn mạnh rằng Hội đồng Cấp cao nhà nước mong muốn rằng các cuộc đàm phán được Liên hợp quốc ủng hộ sẽ thành công trong quan hệ đối tác với Hạ viện để "đạt được sự cân bằng chính trị, dẫn đến hòa bình và ổn định cho Libya".

[Quốc hội Libya yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại khu vực phía Tây]

Về phần mình, Đại sứ EU Muscheidt tái khẳng định sự ủng hộ của EU đối với tiến trình do phái đoàn Liên hợp quốc dẫn đầu và nhấn mạnh rằng "các cuộc bầu cử sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng mà trước tiên phải đạt được thỏa thuận hòa giải quốc gia và cuối cùng là sự phân chia quyền lực chính trị".

Cùng ngày, Chủ tịch Souihli cũng đã gặp Chủ tịch Ủy ban Bầu cử cấp cao Libya, Imad al-Sayah và đề xuất tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 6 tháng tới.

Ông Sayah đã khẳng đinh với giới truyền thông rằng Ủy ban Bầu cử cấp cao Libya đã sẵn sàng ký một thỏa thuận với Liên hợp quốcc để tổ chức bầu cử.

Tháng Chín vừa qua, đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Ghassan Salame đã đề xuất một lộ trình cho Libya nhằm chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị hiện nay, theo đó tổ chức một hội nghị toàn quốc do Liên hợp quốc bảo trợ với sự tham gia của tất cả các phái chính trị Libya vào tháng 2/2018, thông qua hiến pháp và tiến hành bầu cử tổng thống và quốc hội.

Libya chìm vào bất ổn kể từ sau làn sóng nổi dậy năm 2011 lật đổ cố lãnh đạo Moammar Gadhafi. Nước này bị chia cắt thành hai miền Đông-Tây với các cơ quan lập pháp và chính phủ tồn tại song song, có quân đội riêng và hoạt động theo các khuôn khổ chính trị đối lập.

Ông Fayez Serraj đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận.

Cuối tháng Bảy vừa qua, nhờ những nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Serraj đại diện cho chính quyền miền Tây đã gặp Tướng Khalifa Haftar chỉ huy quân đội ở miền Đông, tại Paris (Pháp). Hai bên ký kết thỏa thuận ngừng bắn đồng thời nhất trí cùng ngồi lại làm việc về các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục