Liên hợp quốc: Hệ thống cảnh báo sớm là chìa khóa cứu sống con người

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết hiện khoảng 700 triệu người trên thế giới vẫn phải đối mặt với nguy cơ từ sóng thần và cảnh báo sớm sẽ là chìa khóa cứu sống con người.

Ngập lụt tại Ladek-Zdroj, Tây Nam Ba Lan ngày 15/9/2024. (Ảnh: PAP/TTXVN)
Ngập lụt tại Ladek-Zdroj, Tây Nam Ba Lan ngày 15/9/2024. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Ngày 6/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của các hệ thống cảnh báo sớm.

Lời nhắc nhở này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, như những trận lũ lụt tàn phá ở Tây Ban Nha gần đây.

Trong thông điệp nhân Ngày thế giới nhận thức về sóng thần, ông Guterres nhắc lại rằng năm nay đánh dấu 20 năm kể từ thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương, một trong những thảm họa chết chóc nhất trong lịch sử gần đây khi có tới hơn 230.000 người đã thiệt mạng.

Ông cho biết hiện khoảng 700 triệu người trên thế giới vẫn phải đối mặt với nguy cơ từ sóng thần và cảnh báo sớm sẽ là chìa khóa cứu sống con người.

“Cách bảo vệ tốt nhất chính là thông qua sáng kiến Cảnh báo sớm cho tất cả do Liên hợp quốc phát động, nhằm đảm bảo mọi người trên thế giới đều có thể tiếp cận các hệ thống cảnh báo cứu sinh kịp thời,” người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới nhấn mạnh.

Mặc dù sóng thần là hiện tượng hiếm gặp nhưng theo báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thảm họa (UNDRR), đây vẫn là một trong những hiểm họa thiên nhiên chết chóc nhất hành tinh.

Các trận sóng thần - thường được kích hoạt bởi động đất dưới đáy biển, núi lửa phun trào hoặc sạt lở đất - đã cướp đi hơn 260.000 sinh mạng và gây thiệt hại kinh tế hơn 280 tỷ USD trong suốt thế kỷ qua.

Theo Ủy ban liên chính phủ về đại dương (IOC) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), với tốc độ di chuyển lên tới 800 km/h, sóng thần có thể tấn công các bờ biển chỉ trong vài phút sau khi có sự kiện kích hoạt.

Điều này tạo ra thách thức rất lớn trong việc cảnh báo sớm và bảo vệ người dân, đặc biệt là những người sống ở các khu vực ven biển.

Trên thực tế, các hệ thống cảnh báo sớm cũng đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm thiểu thiệt hại về người và của từ các thảm họa trên toàn thế giới.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi khoản đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm có thể mang lại lợi ích gấp 10 lần, cả về số sinh mạng được cứu sống và thiệt hại tài sản được ngăn chặn.

Theo lời của Tổng thư ký Guterres, "biến đổi khí hậu do con người gây ra đang dẫn đến những điều kiện thời tiết và khí hậu cực đoan hơn, nên các hệ thống cảnh báo sớm không phải là sự xa xỉ, mà là công cụ hiệu quả giúp cứu sống hàng triệu người.”

Mặc dù đã có những tiến bộ về công nghệ trong việc dự báo và giám sát thảm họa, nhưng vẫn còn những thách thức đáng kể.

Theo các đánh giá gần đây của Liên hợp quốc, chỉ có 50% số quốc gia trên thế giới xác nhận rằng họ có đầy đủ hệ thống cảnh báo đa nguy cơ.

Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở những quốc gia đang phát triển, nơi các thảm họa liên quan đến khí hậu gây tỷ lệ tử vong cao gấp 15 lần so với các khu vực khác.

Sáng kiến "Cảnh báo sớm cho tất cả" của Liên hợp quốc được khởi động vào năm 2022, đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ tử vong do thảm họa thiên nhiên gây ra vào trước năm 2027.

Liên hợp quốc muốn đảm bảo rằng tất cả các quốc gia và cộng đồng ven biển đều có thể tiếp cận hệ thống cảnh báo sớm, giúp giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ mạng sống.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc từng nói: “Cùng nhau, chúng ta hãy đảm bảo rằng tương lai của con người không bị cuốn trôi bởi sóng thần. Hãy xây dựng khả năng chống chịu - ngay bây giờ.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục