Liên minh châu Âu bất đồng về luật bản quyền thông tin

EP đã thông qua luật bản quyền gây tranh cãi, trong đó có thể buộc nhiều nền tảng trực tuyến như Google hay Facebook phải trả tiền cho các liên kết đến nội dung tin tức.
Liên minh châu Âu bất đồng về luật bản quyền thông tin ảnh 1Google hay Facebook phải trả tiền cho các liên kết đến nội dung tin tức. (Nguồn: AP)

Ngày 20/6, Ủy ban Các vấn đề pháp lý của Nghị viện Liên minh châu Âu (EP) đã thông qua luật bản quyền gây tranh cãi, trong đó có thể buộc nhiều nền tảng trực tuyến như Google hay Facebook phải trả tiền cho các liên kết đến nội dung tin tức.

Các nhà xuất bản lớn đã thúc đẩy tiến trình cải cách này, sau khi nhận ra vai trò cấp thiết của biện pháp chống lại việc sử dụng tin tức trực tuyến miễn phí vốn khiến cho thu nhập của nhiều công ty truyền thông bị giảm.

Ủy ban trên đã thông qua điều luật với 13 phiếu thuận và 11 phiếu chống. Ủng hộ kết quả này, nghị sỹ Đức Christian Ehler coi đây là một bước đi quan trọng đối với tương lai của các ngành công nghiệp sáng tạo tại châu Âu.

Tuy nhiên, các nghị sỹ khác lại phản đối, khi cho rằng điều này chỉ giúp các nhà cung cấp tin tức lớn, làm tổn hại đến các công ty độc lập và mới khởi nghiệp, qua đó là giảm quyền tự do ngôn luận.

[Các tờ báo châu Âu nhắm tới thu phí để giảm phụ thuộc mạng xã hội]

Bên cạnh đó, với 14 phiếu thuận và 9 phiếu chống, Ủy ban Các vấn đề pháp lý của EP cũng thông qua điều luật buộc các nền tảng trực tuyến phải chịu trách nhiệm cho các tài liệu có bản quyền được người dùng đăng trên trang web.

Các cải cách trên là một phần trong quá trình xem xét lại luật bản quyền của Liên minh châu Âu (EU) và sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của EP và tháng 7 tới. Điều luật này cũng cần có sự thông qua của 28 nước thành viên EU.

Tuy nhiên, nội bộ từng quốc gia cũng đang bị chia rẽ sâu sắc về sự thay đổi trong luật bản quyền riêng của mỗi nước.

Sau hơn một năm đàm phán, các nước thành viên EU mới chỉ thành công trong việc vạch ra một phiên bản luật cải cách thiếu chi tiết và cần có sự chấp thuận của Quốc hội từng nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục