Liên quân Arab bác bỏ cáo buộc dùng bom chùm ở Yemen

Liên quân Arab bác bỏ các cáo buộc sử dụng bom chùm ở Yemen

Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu chống lại phiến quân Houthi tại Yemen đã bác bỏ những cáo buộc mới đây cho rằng lực lượng này đã thả bom chùm xuống Yemen.
Liên quân Arab bác bỏ các cáo buộc sử dụng bom chùm ở Yemen ảnh 1Nhà cửa bị phá hủy sau một cuộc không kích ở Sanaa, Yemen. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu chống lại phiến quân Houthi tại Yemen đã bác bỏ những cáo buộc mới đây cho rằng lực lượng này đã thả bom chùm xuống Yemen.

Lời phủ nhận được đưa ra sau khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nói rằng hành vi này có thể là "tội ác chiến tranh."

Ngày 10/1, người phát ngôn của liên quân, Chuẩn tướng Ahmed al-Assiri, tuyên bố liên quân Arab không sử dụng bom chùm ở thủ đô Sanaa của Yemen.

Phản ứng với báo cáo của Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) của Mỹ, ông al-Assiri nói rằng báo cáo đó không có tính thuyết phục khi không đưa ra được bằng chứng.

Trước đó, ngày 7/1, HRW công bố một báo cáo dẫn lời người dân Yemen cho biết vụ tấn công hôm 6/1 có dấu hiệu của việc sử dụng bom chùm.

Trong tuyên bố được đưa ra ngày 8/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nói rằng đã nhận được "những báo cáo đáng lo ngại" về các vụ tấn công bằng bom chùm tại Sanaa hiện do phiến quân kiểm soát.

Tổng Thư ký lưu ý việc sử dụng bom chùm bừa bãi ở những khu vực đông dân cư có thể là tội ác chiến tranh. Hồi tuần trước, văn phòng của Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền cũng thông báo nhân viên của tổ chức này tại Yemen phát hiện dấu vết của 29 quả bom chùm trong chuyến thị sát tới huyện Haradh của Yemen, đồng thời đưa ra một số ảnh về bom chùm trong báo cáo của họ.

Bom chùm chứa nhiều mảnh đạn nhỏ hơn. Đôi khi bom chùm không phát nổ lập tức mà trở thành mìn có thể gây thương tật suốt đời hoặc đe dọa đến tính mạng khi nổ bất ngờ. Năm 2008, đã có 116 quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Saudi Arabia, ký một hiệp ước cấm sử dụng loại vũ khí này.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam hồi tháng 3/2015 và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Mansour Hadi phải lưu vong ở Saudi Arabia.

Lực lượng liên minh khu vực do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích chống phiến quân Houthi ở Yemen từ tháng 3/2015 và triển khai các chiến dịch trên bộ từ tháng 7/2015.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, trong gần một năm qua, đã có 5.800 người Yemen thiệt mạng, trong đó có khoảng ½ là dân thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục