Mưa lớn, kéo dài gây ra tình trạng ngập nước, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của con người. Đây chính là thời điểm dễ phát sinh nhiều bệnh như cảm cúm, sốt xuất huyết, bệnh da liễu, các bệnh đường tiêu hóa, bệnh đau mắt đỏ và các bệnh lý về đường tiêu hóa.
Do vậy, việc bảo vệ sức khỏe khi mùa mưa đến rất quan trọng. Vậy bạn có biết nên làm gì để tăng cường sức khỏe và bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật khi mùa mưa đến không?
Bổ sung vitamin cho cơ thể
Việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể vào mùa mưa rất quan trọng. Bạn hãy bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi vào chế độ ăn uống hàng ngày để cung cấp vitamin C, A, E và B. Các loại vitamin này có nhiều trong cam, chanh, bưởi, ổi và các loại rau xanh như cải bó xôi và bông cải xanh,...
Ngoài ra, thực phẩm giàu kẽm như các loại hạt, hải sản, thịt bò và thịt gà cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.
Thêm thực phẩm chống viêm
Một số loại thực phẩm có khả năng chống viêm như tỏi, gừng và nghệ rất hữu ích trong mùa mưa. Tỏi và gừng có tính kháng khuẩn và chống viêm tự nhiên, giúp ngăn ngừa các bệnh cảm cúm và viêm họng.
Ngoài ra, thành phần curcumin có trong nghệ cũng được biết đến một hợp chất có tác dụng chống viêm mạnh mẽ và giúp tăng cường miễn dịch. Việc bổ sung những thực phẩm này vào chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh và duy trì sức khỏe tốt.
Bổ sung probiotics
Việc bổ sung probiotics trong mùa mưa sẽ giúp duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh. Sữa chua và các loại thực phẩm lên men như kim chi, dưa chua là nguồn cung cấp probiotics tuyệt vời. Chúng có khả năng giúp ngăn ngừa tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa khác. Ngoài ra, probiotics giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng.
Ăn chín uống chín
Bạn nên tránh ăn các loại thực phẩm sống như sushi, gỏi cá hay rau sống,... bởi chúng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh. Việc cẩn thận trong chế biến và lựa chọn thực phẩm sẽ giúp bạn tránh được nhiều vấn đề sức khỏe trong mùa mưa.
Vào mùa mưa, vi khuẩn và ký sinh trùng dễ phát triển hơn nên việc giữ vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cần thiết. Bạn hãy đảm bảo thực phẩm luôn được nấu chín kỹ càng để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn và ký sinh trùng có hại.
Ngoài ra, thực phẩm bán vỉa hè hoặc những nơi không đảm bảo vệ sinh có thể tiếp xúc với các mầm bệnh trong không khí và nước. Để đảm bảo an toàn, bạn nên lựa chọn những thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Để duy trì năng lượng và hỗ trợ tiêu hóa trong mùa mưa, việc chia nhỏ bữa ăn là rất hữu ích. Thay vì ăn ba bữa lớn, bạn có thể ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để cơ thể luôn được cung cấp đủ năng lượng. Đồng thời, tránh ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ vì chúng dễ gây đầy hơi và khó tiêu. Nên ưu tiên chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong mùa mưa.
Uống đủ nước
Trong mùa mưa, tuy thời tiết mát mẻ hơn nhưng cơ thể vẫn cần được cung cấp đủ nước để duy trì các hoạt động bình thường. Uống đủ nước cho cơ thể giúp bạn chống lại và ngăn ngừa nhiều bệnh tật, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Nước làm sạch cơ thể và hỗ trợ thải bỏ vi trùng, vi khuẩn ra ngoài cơ thể, giúp ngăn ngừa nguy cơ cảm lạnh, cảm cúm.
Ngoài ra, các loại nước ép trái cây tươi hoặc nước ép rau củ cũng rất tốt, không chỉ giúp bổ sung nước mà còn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Bảo quản thực phẩm đúng cách
Bảo quản thực phẩm đúng cách là rất quan trọng để tránh ôi thiu và ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa. Bạn nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh và ở nhiệt độ thích hợp.
Bạn cần kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm trước khi sử dụng và không nên lưu trữ thực phẩm quá lâu để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Giữ gìn vệ sinh
Mưa nhiều gây ra độ ẩm cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh. Khi vô tình tiếp xúc với những đồ vật có chứa vi khuẩn, virus gây bệnh, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ gặp nguy hiểm. Vì vậy, bạn hãy thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh để hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh vào cơ thể.
Hạn chế dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng
Vi khuẩn, virus gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua mắt, mũi, miệng. Vì vậy, bạn nên hạn chế dùng tay dụi mắt, mũi, miệng hoặc lau mồ hôi, thay vào đó có thể dùng khăn sạch hoặc khăn tay.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên rửa mặt thường xuyên để loại bỏ các vi khuẩn, bụi bẩn trên mặt và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.
Tăng cường thể dục, thể thao
Rèn luyện thể chất là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ cơ thể trong mùa mưa bão. Khi cơ thể hoạt động, sẽ phóng thích ra năng lượng và được chuyển hóa thành nhiệt năng, giúp cơ thể chống lại thời tiết lạnh ngoài trời.
Trong mùa mưa bão, bạn nên chọn những môn thể thao phù hợp trong nhà để duy trì luyện tập.
Phòng chống côn trùng
Thời tiết ẩm ướt cũng là môi trường để muỗi và côn trùng sinh sôi và phát triển. Do đó, bạn hãy giữ nhà cửa khô ráo, sạch sẽ; không để nước đọng trong các vật dụng.
Ngoài ra, bạn có thể dùng thuốc xịt, nhang chống muỗi và côn trùng hoặc bôi kem chống muỗi trên cơ thể và ngủ mùng để tránh bị muỗi và côn trùng đốt.
Tránh vùng ngập nước
Nước bẩn đọng lại sau mưa bão là nguyên nhân gây ra các bệnh như bệnh tiêu chảy, cúm, tả và nhiễm trùng da, nấm. Trong mùa mưa bão, bạn nên chuẩn bị sẵn áo mưa, ô, ủng không thấm nước hoặc giày cao su để sử dụng khi trời mưa, giúp giữ khô chân, không bị nhiễm nước bẩn.
Tìm nơi trú khi trời mưa
Khi mưa lớn và nặng hạt, bạn nên tìm nơi tránh trú và cố gắng không để cơ thể bị ướt. Bên cạnh đó, bạn không nên đứng gần cột điện hay dưới gốc cây để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra.
Tắm ngay sau khi đi dưới mưa
Bạn sẽ dễ dàng mắc bệnh khi thân nhiệt cơ thể hạ thấp đột ngột, điều này thường xảy ra khi bạn đi dưới mưa quá lâu. Vì thế, bạn hãy mau chóng tắm sau khi đi mưa để giúp cơ thể ổn định và cân bằng lại nhiệt độ.
Sau khi tắm, bạn hãy sấy khô tóc cũng như mặc quần áo khô và sạch. Bạn nên ăn một chén canh hoặc uống một ly sữa nóng. Điều này sẽ giúp bạn tránh tình trạng cảm lạnh hoặc loại bỏ các virus nhiễm trùng gây bệnh do cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột./.
Phòng chống các dịch bệnh thường gặp sau bão lũ
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ gồm tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm, sốt xuất huyết, bệnh ngoài da.