Malaysia xem xét hạn chế Telegram nhằm ngăn chặn hoạt động phạm tội

Ứng dụng Telegram có một tính năng là mỗi người dùng có thể tạo ra một "bot Telegram" và bot này có thể tự khởi động các cuộc tấn công mạng, bẻ khóa các mật khẩu, đánh cắp thông tin.
Malaysia xem xét hạn chế Telegram nhằm ngăn chặn hoạt động phạm tội ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) mới đây cho biết MCMC đang cân nhắc áp đặt một số hạn chế đối với ứng dụng Telegram nhằm ngăn chặn các hoạt động phạm tội, bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo sự an toàn của người dùng.

MCMC cho rằng hành động này là cần thiết vì ứng dụng Telegram không có kênh chính thức để theo dõi và giải quyết các hành vi phạm tội trực tuyến.

Theo MCMC, ứng dụng Telegram có một tính năng là mỗi người dùng có thể tạo ra một "bot Telegram" và bot này có thể tự khởi động các cuộc tấn công mạng, bẻ khóa các mật khẩu, đánh cắp thông tin.

Khi bot xâm nhập vào thiết bị mạng, nó có thể thu thập các thông tin theo chủ đích của tội phạm mạng.

MCMC khuyến cáo người dùng không nên tùy tiện chia sẻ các liên kết, đồng thời nhận thức rõ các nguy cơ, không chỉ đối với bản thân mà còn đối với an ninh quốc gia.

Người phát ngôn của ứng dụng Telegram Remy thừa nhận đã từ chối hợp tác với Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số Malaysia, khẳng định Telegram không muốn chịu bất kỳ hình thức kiểm duyệt chính trị nào.

[Khởi tố 2 đối tượng đăng hơn 8.000 video, ảnh đồi trụy lên Telegram]

Trong khi Malaysia xem xét hạn chế Telegram, Tòa án Brazil đã quyết định đình chỉ tạm thời hoạt động của Telegram tại nước này sau khi cơ quan chủ quản ứng dụng nhắn tin này không thể cung cấp dữ liệu mà cơ quan chức năng sở tại yêu cầu liên quan đến hoạt động của các tổ chức chủ nghĩa phátxít mới hoạt động trên môi trường của ứng dụng này.

Quyết định này được đưa ra sau khi xảy ra một loạt các vụ bạo lực học đường thời gian gần đây, trong đó có ít nhất một vụ liên quan đến những trao đổi thông tin trong một nhóm có khuynh hướng bài Do Thái.

Tòa án đã tuyên phạt Telegram 1 triệu Reais, tương đương 198,000 USD/ngày, do không phối hợp với cuộc điều tra mà giới chức Brazil đang tiến hành về các hoạt động tân Quốc xã trên mạng xã hội.

Năm 2022, trước các mối đe dọa và lời kêu gọi thù hận, giết người trên nền tảng Telegram, Cục Hình sự liên bang Đức (BKA) thông báo đã thành lập lực lượng đặc nhiệm riêng để truy tố hình sự tội phạm trên dịch vụ nhắn tin Telegram.

Nhiệm vụ của đơn vị mới là "xác định và truy tố các nghi phạm." Việc này được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng cảnh sát các bang và Trung tâm chống tội phạm mạng thuộc Cơ quan Tổng công tố Frankfurt am Main.

Ngoài ra, BKA phối hợp với Cục Hình sự các bang theo dõi mức độ hợp tác của Telegram khi cần xóa và truy vấn dữ liệu trong lĩnh vực tội phạm mang động cơ chính trị, với mục đích là cải thiện sự hợp tác, đặc biệt là làm rõ các cuộc gọi qua Telegram liên quan tới các hành động giết người và tội phạm nghiêm trọng khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục