Montana trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ 'cấm cửa' TikTok

Bang Montana sẽ đưa ra quy định việc các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple cung cấp ứng dụng TikTok trong biên giới bang này là bất hợp pháp.
Montana trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ 'cấm cửa' TikTok ảnh 1Biểu tượng của mạng xã hội TikTok trên màn hình máy tính bảng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thống đốc Montana Greg Gianforte hôm 17/5 đã ký luật cấm TikTok hoạt động tại bang này, khiến Montana trở thành bang đầu tiên của Mỹ cấm ứng dụng video ngắn phổ biến.

Montana sẽ quy định việc các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple cung cấp ứng dụng TikTok trong biên giới bang này là bất hợp pháp. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Montana cho biết TikTok có thể bị phạt cho mỗi lần vi phạm và phạt thêm 10.000 USD mỗi ngày nếu vi phạm lệnh cấm.

Ngoài ra, Apple và Google cũng có thể bị phạt 10.000 USD mỗi lần vi phạm mỗi ngày nếu của hàng ứng dụng trực tuyến của họ vi phạm lệnh cấm.

Ông Gianforte cũng muốn cấm sử dụng tất cả các ứng dụng truyền thông xã hội thu thập, cung cấp thông tin hoặc dữ liệu cá nhân cho các đối thủ nước ngoài trên các thiết bị do chính phủ cấp.

Sau thông tin trên, TikTok - ứng dụng thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance - đã ra thông báo cho biết dự luật "vi phạm quyền của Tu chính án thứ nhất của người dân Montana bằng cách cấm TikTok một cách bất hợp pháp." Đồng thời, TikTok khẳng định "sẽ bảo vệ quyền của người dùng bên trong và bên ngoài Montana.”

[Chủ tịch Hạ viện Mỹ hy vọng thông qua dự luật lưỡng đảng về TikTok]

Giới quan sát cũng cho rằng lệnh cấm của bang Montana có thể phải đối mặt với nhiều phản bác rằng nó vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dùng, vốn được xác định trong Tu chính án thứ nhất.

Nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump hồi năm 2020 nhằm cấm người dân Mỹ tải xuống các ứng dụng TikTok và WeChat đã bị nhiều tòa án chặn và không bao giờ có hiệu lực.

TikTok, hiện có hơn 150 triệu người dùng Mỹ, đang phải đối mặt với ngày càng nhiều lời kêu gọi cấm ứng dụng này trên toàn quốc từ các nhà lập pháp và quan chức tiểu bang Mỹ. Họ viện dẫn những do lo ngại về ảnh hưởng tiềm ẩn của chính phủ Trung Quốc đối với nền tảng này.

Vào tháng Ba, một ủy ban của Quốc hội đã chất vấn Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew về việc liệu Chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng, hoặc tác động đến những gì người Mỹ nhìn thấy trên ứng dụng hay không.

Công ty luôn phủ nhận việc chia sẻ dữ liệu với Chính phủ Trung Quốc và cho biết công ty sẽ không làm như vậy kể cả khi được yêu cầu.

Để đối phó những lo ngại trên, TikTok đang thực hiện một sáng kiến có tên Project Texas. Theo đó công ty sẽ tạo ra một thực thể độc lập để lưu trữ dữ liệu người dùng ở Mỹ trên các máy chủ do công ty công nghệ Oracle (Mỹ) vận hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục