Mưa đá, dông lốc gây nhiều thiệt hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Trong những ngày qua, mưa đá, gió lốc đã gây nhiều thiệt hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khiến 1 người ở Yên Bái tử vong do bị sét đánh, một người ở Lào Cai bị thương do bị tấm lợp rơi vào đầu.
Mưa đá, dông lốc gây nhiều thiệt hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc ảnh 1Nhà dân ở thôn Sử Pán, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa bị tốc mái do giông lốc. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Trong những ngày qua, mưa đá, gió lốc đã gây nhiều thiệt hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Yên Bái: Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, đến 16 giờ ngày 23/4, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có một người tử vong do bị sét đánh; gần 800 ngôi nhà bị thiệt hại và ảnh hưởng hơn 266 ha hoa màu của người dân Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Mù Cang Chải và thành phố Yên Bái.

Cụ thể, mưa to kèm theo sấm sét khiến bà Giàng Thị Xáy (42 tuổi), trú tại bản Hú Chù Lình, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải bị sét đánh tử vong.

Giông lốc và mưa đá còn làm 789 ngôi nhà bị thiệt hại; trong đó, 8 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn ở huyện Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên. Mưa lớn, giông lốc cũng làm thiệt hại 266 ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp, 3ha cây ăn quả; gẫy, đổ 145ha cây lâm nghiệp ở các địa phương.

Ngoài ra, giông lốc và mưa đá còn gây thiệt hại 7 nhà xưởng ở huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái; 6 phòng học và 2 nhà văn hóa bị bị tốc mái tại huyện Trấn Yên; đổ gãy 5 cột cột viễn thông, 30 cột điện và 35 cây xanh ven đường… Ước tính thiệt hại khoảng 8,5 tỷ đồng.

Điện Biên: Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), chiều tối 22/4, trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa lớn, gió lốc gây thiệt hại về  người và tài sản của người dân.

Mưa lớn, gió lốc đã khiến 2 người bị thương tại bản Nà Bủng 3, xã Nà Bủng; gần 450 nhà ở của người dân bị ảnh hưởng, trong đó hơn 170 nhà bị tốc mái hoàn toàn.

Các xã chịu thiệt hại nặng nề nhất là Nà Bủng với 250 nhà bị ảnh hưởng, trong đó hơn 130 nhà bị tốc mái và đổ sập; xã Vàng Đán có 160 nhà bị ảnh hưởng, trong đó 28 nhà bị tốc mái và đổ sập...

[Giông lốc và mưa đá gây nhiều thiệt hại, một người thiệt mạng]

Mưa lớn, gió lốc cũng khiến 1 điểm trường mầm non ở bản Sam Lang (xã Nà Hỳ) bị tốc mái hoàn toàn; 9 phòng học bán trú trường Trung học cơ sở xã Nà Bủng bị tốc mái; 1 phòng học ở điểm trường Mầm non bản Ngải Thầu 2 (xã Nà Bủng) bị tốc mái; 2 lớp học điểm bản Vàng Đàn và Huổi Khương (xã Vàng Đán) bị đổ sập…

Ngoài ra, mưa lớn, gió lốc cũng khiến một số cột điện trung thế và hạ thế bị gãy đổ, một số công trình y tế, thủy điện bị hư hại. Ước tính tổng thiện hại 11 tỷ đồng.

Lai Châu: Trận mưa đá kèm theo gió lốc xảy ra chiều tối 22/4 ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh biên giới Lai Châu đã gây thiệt hại lớn, ước tính thiệt hại sơ bộ hơn 15 tỷ đồng.

Theo thống kê sơ bộ của chính quyền các địa phương, đến cuối giờ sáng 23/4, mưa đá kèm theo gió lốc đã làm thiệt hại gần 800 ngôi nhà, trong đó có gần 20 nhà dân và 1 nhà đa năng trường tiểu học bị đổ sập hoàn toàn.

Ngoài ra, mưa đá, gió lốc cũng làm dập nát, đổ gãy trên 320ha cây ăn quả, lúa Đông Xuân, ngô Xuân Hè, dong riềng... của người dân ở hai huyện Tân Uyên và Tam Đường.

Huyện Tam Đường là địa phương hứng chịu nhiều thiệt hại nhất trong đợt thiên tai lần này. Ghi nhận đến 10 giờ ngày 23/4, đã có gần 400 ngôi nhà bị thiệt hại, gần 300ha lúa, ngô, dong riềng và địa lan bị đổ gãy, dập nát, ước tính thiệt hại ban đầu gần 7,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, có hàng trăm con gia cầm bị chết và nhiều hạng mục công trình Nhà nước bị thiệt hại.

Tuyên Quang: Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, từ đêm 22/4 đến rạng sáng 23/4, tại Tuyên Quang xảy ra mưa dông trên diện rộng, có khu vực xảy ra mưa to đến rất to đã gây thiệt hại trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa.

Cụ thể, mưa dông, gió lốc đã làm 74 ngôi nhà bị tốc mái; hơn 12 ha lúa bị thiệt hại; hơn 16 ha ngô, rau màu bị gẫy đổ; trạm kiểm lâm tại xã Năng Khả, huyện Na Hang bị tốc mái, hư hỏng trần nhà; 3 tuyến đường giao thông tại huyện Na Hang bị sạt lở 11 vị trí...

Thái Nguyên: Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, mưa lớn kéo dài kèm theo giông lốc xảy ra trong hai ngày 22 và 23/4 trên địa bàn tỉnh đã khiến gần 30 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có nhà bị sập hoàn toàn.

Ngoài ra, nhiều tài sản hoa màu của người dân cũng bị ảnh hưởng; không có thiệt hại về người.

Các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai bao gồm các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ.

Mưa dông đã làm gần 10ha ngô và một số diện tích rau màu của nhân dân bị hư hại. Đặc biệt, tại huyện Định Hóa có 12 công trình phụ bị hư hỏng; huyện Đại Từ có một cột điện tại xã Cù Vân bị gãy đổ. Ước thiệt hại ban đầu về tài sản khoảng trên 260 triệu đồng.

Mưa đá, dông lốc gây nhiều thiệt hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc ảnh 2Một ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn tại thôn Sử Pán, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Lào Cai: Trận mưa đá, giông lốc trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn ra từ đêm 22/4, rạng sáng 23/4 đã khiến một người bị thương, hàng trăm ngôi nhà, trường học, các công trình công cộng bị hư hỏng, nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại nặng nề. Ước thiệt hại trên 15 tỷ đồng.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, người bị thương là ông Ngô Văn Vĩnh (trú tại tổ 5, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai) bị tấm lợp rơi vào đầu đã được gia đình đã đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Ngoài ra, thiên tai đã làm hư hỏng 602 nhà ở của nhân dân trong tỉnh với mức độ từ 30-70%, nhiều nhất là tại thị xã Sa Pa với 235 nhà, Bảo Thắng 142 nhà, Văn Bàn 74 nhà, thành phố Lào Cai 67 nhà, Mường Khương 64 nhà.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục