Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm thành công ca ghép thận lợn trên người

Tiến sỹ Robert Montgomery, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết kết quả kiểm tra chức năng của quả thận ghép cho thấy “có vẻ như nó hoạt động tương đối bình thường."
Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm thành công ca ghép thận lợn trên người ảnh 1

Lần đầu tiên một quả thận của lợn được cấy ghép trên cơ thể người mà không bị hệ thống miễn dịch đào thải ngay lập tức, mở ra triển vọng có thể giúp giảm sự thiếu hụt nghiêm trọng các cơ quan nội tạng phục vụ cấy ghép trên người.

Thử nghiệm trên được Trung tâm Y tế NYU Langone ở thành phố New York, Mỹ, tiến hành bằng việc sử dụng thận của một con lợn đã được biến đổi gene để các mô của nó không chứa các phân tử gây kích hoạt sự đào thải ngay lập tức của hệ thống miễn dịch con người.

Các nhà khoa học cho biết bệnh nhân được cấy ghép là một người bị chết não, có dấu hiệu rối loạn chức năng thận, được gia đình đồng ý cho thực hiện cuộc thử nghiệm.

Trong 3 ngày, quả thận mới được nối vào mạch máu của bệnh nhân và được đặt bên ngoài cơ thể của người này để các nhà nghiên cứu có điều kiện giám sát, kiểm tra.

Tiến sỹ Robert Montgomery, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết kết quả kiểm tra chức năng của quả thận ghép cho thấy “có vẻ như nó hoạt động tương đối bình thường."

Ông cho biết thêm quả thận trên đã bài tiết ra nước tiểu như dự tính và không có dấu hiệu cho thấy sự đào thải mạnh và sớm của hệ miễn dịch người được ghép như trường hợp ghép thận của lợn chưa biến đổi gene trên loài linh trưởng.

[Bộ trưởng Y tế Đức đề xuất sáng kiến giúp tăng tỷ lệ hiến tạng]

Bên cạnh đó, tiến sỹ Montgomery rằng mức creatinine (chỉ số phản ánh mức độ suy giảm chức năng thận) bất thường của bệnh nhân đã trở lại bình thường sau ca cấy ghép.

Trước khi thực hiện ca thử nghiệm này, nhóm nghiên cứu của Tiến sỹ Montgomery đã làm việc với các nhà đạo đức y tế, các chuyên gia pháp lý và tôn giáo để đánh giá trước khi đưa ra đề nghị gia đình bệnh nhân cho phép được thử nghiệm.

Theo Tổ chức quản lý mạng lưới ghép tạng quốc gia Mỹ, gần 107.000 bệnh nhân hiện đang chờ để được ghép tạng, trong đó có hơn 90.000 người đang chờ được ghép thận. Thời gian chờ để được ghép thận trung bình từ 3 đến 5 năm.

Trong hàng chục năm qua, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm khả năng sử dụng nội tạng động vật để cấy ghép cho người nhưng gặp cản trở khi xuất hiện sự đào thải ngay lập tức của cơ thể con người.

Nhóm nghiên cứu của tiến sỹ Montgomery đưa ra giả thuyết rằng việc tách bỏ một loại carbonhydrate, gây ra sự đào thải, trong gene lợn sẽ giải quyết được vấn đề đào thải của cơ thể người.

Con lợn được biến đổi gene, có tên là GalSafe, được công ty Revivicor thuộc tập đoàn United Therapeutics của Mỹ, tạo ra. Nó đã được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào tháng 12/2020 để sử dụng làm thực phẩm cho người bị dị ứng thịt và là một nguồn tiềm năng của liệu pháp điều trị cho con người.

Theo FDA, các sản phẩm y tế được phát triển từ lợn vẫn cần được sự chấp thuận của FDA trước khi được sử dụng trên người. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục