Mỹ tài trợ 500 triệu USD thúc đẩy thành lập trung tâm công nghệ

Khoản tiền tài trợ sẽ được sử dụng để thúc đẩy thành lập các trung tâm công nghệ. Mỹ dự định phát triển khoảng 20 thành phố thành các trung tâm công nghệ.
Mỹ tài trợ 500 triệu USD thúc đẩy thành lập trung tâm công nghệ ảnh 1Số tiền 50 tỷ USD sẽ được sử dụng để hỗ trợ ngành sản xuất chip bán dẫn của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Ngày 12/5, Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu mở cổng đăng ký nhận tài trợ từ chương trình thúc đẩy phát triển công nghệ với tổng trị giá 500 triệu USD.

Khoản tài trợ này được trích từ nguồn ngân sách 10 tỷ USD giải ngân theo Đạo luật Chip và Khoa học (trị giá hơn 53 tỷ USD) triển khai năm ngoái nhằm khuyến khích đầu tư vào các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và công nghệ sinh học.

Để đủ điều kiện nhận tài trợ, các ứng cử viên cần đáp ứng tiêu chí xây dựng mối quan hệ đối tác gồm 1 hoặc nhiều công ty công nghệ, cơ quan phát triển cấp bang, các chương trình đào tạo nhân lực, một trường đại học và các nhà lãnh đạo chính quyền thành phố và bang.

Khoản tiền tài trợ sẽ được sử dụng để thúc đẩy thành lập các trung tâm công nghệ. Mỹ dự định phát triển khoảng 20 thành phố thành các trung tâm công nghệ, trong đó 10 thành phố có thể nhận được tài trợ của chính phủ.

[Canada đầu tư hơn 1 tỷ USD hỗ trợ nghiên cứu về công nghệ mới]

Tổng thống Joe Biden hy vọng trong tương lai có thể tăng nguồn tài trợ cho lĩnh vực công nghệ. Trong báo cáo đề xuất ngân sách, Tổng thống Biden cho rằng Quốc hội cần phân bổ thêm 4 tỷ USD để đầu tư phát triển công nghệ trong 2 năm tới. 

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết các khoản tài trợ cho lĩnh vực công nghệ nhằm “nâng cao khả năng cạnh tranh của nước Mỹ.”

Chính quyền Tổng thống Biden đã ưu tiên thiết lập một chiến lược công nghiệp nhằm hướng đầu tư của chính phủ vào phát triển chip máy tính, năng lượng sạch và một loạt công nghệ khác. Nỗ lực mở rộng đầu tư công nghệ chủ yếu tập trung quanh một số thành phố của Mỹ gồm Austin, Boston, New York, San Francisco và Seattle. 

Giới chức Mỹ khẳng định việc đi đầu trong các lĩnh vực công nghệ này sẽ giúp thúc đẩy kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục