Ngày 13/5, giới chức y tế vùng quốc hải Puerto Rico (thuộc chủ quyền của Mỹ) thông báo đã phát hiện trường hợp thai nhi đầu tiên bị dị tật đầu nhỏ do mẹ nhiễm virus Zika - loại virus đang lây truyền mạnh ở hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Y tế Puerto Rico Anna Rius cho biết các kết quả nghiên cứu và xét nghiệm cho thấy thai nhi nói trên đã bị dị tật đầu nhỏ và não bị vôi hóa do sự xâm nhập của virus Zika. Tuy nhiên, bà Rius từ chối công bố thông tin cụ thể về gia đình này vì lý do tôn trọng quyền riêng tư.
Thông tin về trường hợp thai nhi đầu tiên bị dị tật đầu nhỏ trước đó đã được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận sau khi tiến hành thí nghiệm và chia sẻ kết quả cho Bộ Y tế Puerto Rico. CDC cũng bày tỏ lo ngại về khả năng sẽ có thêm nhiều trường hợp thai nhi bị dị tật đầu nhỏ do mẹ bị nhiễm virus Zika được phát hiện tại vùng lãnh thổ này.
Trước đó, hồi tháng Tư vừa qua, CDC cũng đã xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến virus Zika tại Puerto Rico. Tuyên bố của CDC cho hay: "Mặc dù các trường hợp chết người liên quan đến virus Zika là rất hiếm, nhưng ca tử vong đầu tiên được xác nhận tại Puerto Rico cho thấy khả năng xuất hiện các ca nghiêm trọng, cũng như sự cần thiết phải tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của người cung cấp dịch vụ y tế về các biến chứng có thể dẫn tới trường hợp bệnh nặng hoặc tử vong."
Được phát hiện đầu tiên tại châu Phi, virus Zika sau đó lan sang châu Á và châu Mỹ Latinh, trở thành đợt bùng phát dịch mạnh nhất từ trước tới nay. Hiện hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm. Virus zika lây truyền qua muỗi Aedes aegypti, quan hệ tình dục và truyền máu, với các triệu chứng phổ biến nhất khi bị nhiễm là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Cho đến nay, chưa có vắcxin phòng ngừa hay thuốc đặc trị loại virus này.
Theo cảnh báo mới nhất của WHO, nếu không có các biện pháp quyết liệt, con số bệnh nhân nhiễm Zika tại châu Mỹ có thể lên tới mức 500 triệu người. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu từ tháng 2 vừa qua, đồng thời khẳng định có sự đồng thuận rộng rãi trong cộng đồng khoa học rằng virus trên có liên quan chặt chẽ tới chứng rối loạn tự miễn dịch (hay còn gọi là hội chứng Guillain - Barré), và đặc biệt là chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, có thể gây ra nhiều khó khăn cho quá trình phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ./.